Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 32. Thông qua các hội nghị quán triệt, triển khai đến các đồng chí cán bộ chủ chốt các cấp; các tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị và lồng ghép với các hội nghị chuyên đề. Đồng thời, ban hành Chương trình hành động chỉ đạo các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị 32. UBND tỉnh cũng ban hành các chỉ thị, quyết định về việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Bình; các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật từng giai đoạn phù hợp yêu cầu của từng thời kỳ...
Các ngành, đoàn thể và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm đã chủ động phối hợp ký kết các chương trình, phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 32, trong đó ngành Tư pháp là đầu mối tham mưu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; các cơ quan có trách nhiệm chủ trì phổ biến, giáo dục pháp luật đối với những lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành; chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật tới đoàn viên, hội viên và nhân dân thuộc phạm vi quản lý. Việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành đã nâng cao trách nhiệm của các ngành, phát huy vai trò của cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Để đưa Chỉ thị 32 vào cuộc sống, các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đã tích cực đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và gắn với các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó xác định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng giai đoạn và từng năm, như tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị tuyên truyền; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tổ chức "Ngày Pháp luật"; thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, sinh hoạt CLB của các đoàn thể, xét xử lưu động, biên soạn đề cương, cấp phát các tài liệu, tờ rơi, kết hợp phổ biến pháp luật qua đối thoại chính sách, pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan, thông qua sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và nhà văn hóa thôn, xóm, phố... Thông qua các hình thức này, các chủ trương, chính sách, pháp luật đã được chuyển tải một cách sinh động tới người dân, kịp thời giải quyết những băn khoăn, vướng mắc của người dân.
Trong 15 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 17.612 hội nghị phổ biến pháp luật trực tiếp cho khoảng 1.564.020 lượt người tham gia, là đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và nhân dân trên địa bàn; biên soạn hơn 1.000.000 tài liệu tuyên truyền liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, phát 3.840.000 tin, bài đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng... Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp tổ chức 521 hội thi, hội diễn, cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật thu hút hàng nghìn hội viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sỹ, giáo viên, học sinh và người lao động và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải tại các tổ hòa giải ở các thôn, xóm, tổ dân phố trong cộng đồng dân cư được tập trung thực hiện và đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh có 1692 tổ hòa giải với 10.580 hòa giải viên, 15 năm qua đã tiếp nhận 15.635 vụ việc, hòa giải thành 14.577 vụ (đạt 93%). Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần hạn chế đơn thư vượt cấp, kéo dài, các mâu thuẫn nội bộ trong cộng đồng dân cư.
Đến nay, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập và duy trì hoạt động ở hai cấp tỉnh và huyện. Cấp tỉnh đã được kiện toàn gồm 30 thành viên, đại diện 28 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; cấp huyện gồm 209 thành viên, hoạt động thường xuyên, có nền nếp theo Quy chế của Hội đồng, thực hiện có hiệu quả chức năng tư vấn, tham mưu cho chính quyền địa phương về việc ban hành các chương trình, kế hoạch, các giải pháp nâng cao hiệu quả về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở được xây dựng, củng cố, kiện toàn hàng năm; đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Đội ngũ này đã được xây dựng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, gồm 1.093 báo cáo viên (BCV) pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật (93 BCV pháp luật cấp tỉnh; 223 BCV pháp luật cấp huyện; 777 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã); 10.580 hòa giải viên ở cơ sở và 1.659 BCV của Đảng (4 BCV cấp Trung ương, 49 BCV cấp tỉnh, 356 BCV cấp huyện, 1.250 tuyên truyền viên cấp xã). Hàng năm, đội ngũ này được tập huấn nâng cao kiến thức luật pháp, kỹ năng tuyên truyền thông qua Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh) và các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp tỉnh và Hội đồng phối hợp cấp huyện.
Mỹ Hạnh