Xác định rõ tầm quan trọng của các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Ninh Bình đã tổ chức triển khai kịp thời Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển Nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012; cho vay xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX.
Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa nguồn vốn nhanh chóng vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của đơn vị để chủ động, linh hoạt sử dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong hoạt động; tập trung ưu tiên vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tăng tỷ trọng cho vay trung, dài hạn với cơ cấu hợp lý, giữ vững thị trường, thị phần cho vay; chủ động nắm bắt nhu cầu về vốn phục vụ thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản theo mô hình chuỗi liên kết, nông nghiệp sạch...
Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đến hạn và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh; phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn; tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đến khách hàng doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức chính trị - xã hội gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng. Nhờ đó mà khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp đã chủ động trong việc lập dự án, tiếp cận sớm với nguồn vốn vay.
Việc cho vay các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn năm 2016 đạt 7.657 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng dư nợ, năm 2017 là 9.188 tỷ đồng chiếm 66,1%. Trong đó, dư nợ Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ là hơn 7.000 tỷ đồng và đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ các chính sách tín dụng của Trung ương, những năm gần đây lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều chính sách được triển khai có hiệu quả và tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp như: Nghị định 55 đã cho hàng trăm ngàn hộ dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong 2 năm 2016-2017 đã giúp cho 2 chủ tàu vay trên 39 tỷ đồng để đóng mới 2 tàu vỏ thép có công suất 1.055C, sau khi đi vào khai thác, các tàu vỏ thép cho hiệu quả rất cao và ổn định....
Việc triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp trong những năm qua cho thấy chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước đã khuyến khích, tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng vay vốn, tạo thêm động lực để người dân mở rộng quy mô, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét, hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo công ăn việc làm cho người dân, cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển KT-XH trên địa bàn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cho vay theo các chủ trương, chính sách của Chính phủ vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình như cho vay lĩnh vực HTX đang gặp khó khăn do hầu hết các HTX nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn do không đủ điều kiện vay vốn như: không có tài sản thế chấp hoặc giá trị tài sản cố định của HTX thấp, vốn lưu động của nhiều HTX nông nghiệp ít, nhỏ, ảnh hưởng đến phương án sản xuất, kinh doanh...
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cao, nợ tiềm ẩn rủi ro vẫn còn nhiều. Do thiên tai, lũ lụt đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm giảm hiệu quả đầu tư vốn. Trong thời gian tới, để tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ninh Bình tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên để đề ra mục tiêu, giải pháp kinh doanh phù hợp, đúng định hướng; đồng thời chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các chính sách, hướng dẫn về mặt quy trình thủ tục vay vốn để người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh cho vay theo Nghị định 55 đã đạt kết quả tốt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp để nâng cao tăng trưởng dư nợ đối với tất cả các chính sách hỗ trợ khác như: Nghị định 68, cho vay HTX,... tạo nguồn vốn thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển.
Hồng Giang