P.V: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Phong Phú (Đ/c NPP): Năm 2008 là năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy và Đề án số 15 của UBND tỉnh về "Tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010", trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá cao. Một số dự án trọng điểm hoàn thành đi vào sản xuất ổn định, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, giá trị sản xuất cao, giải quyết thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Kết cấu hạ tầng, các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các xã nghèo, vùng nghèo, cụm xã có tỷ lệ hộ nghèo cao được tập trung huy động, đầu tư. Tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình nghèo tiến bộ hơn trước, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được nâng lên.
Đến hết năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 9%, giảm 2,38% so với 2007. Số vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phuc vụ cho công tác giảm nghèo trong năm 2008 của tỉnh ta nhiều nhất từ trước đến nay. Toàn tỉnh đã thực hiện 470 tỷ đồng, đạt 102,7% tổng vốn được bố trí. Trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 23 xã nghèo, cụm xã nghèo trọng điểm là 283.625 triệu đồng. Nhiều Dự án đã và đang triển khai như: Dự án kiên cố kênh tưới các hồ: Vườn Cà, Bãi Lóng, Đầm Mố, Luông Giang, Thạch La, Trố Lưới (thuộc các xã khó khăn của huyện Nho Quan); Dự án phân lũ, chậm lũ, tái thiết sông Hoàng Long; Dự án thủy lợi vùng nuôi trồng thủy sản các xã bãi ngang ven biển; Dự án nâng cấp âu Cầu Hội; nâng cấp đê sông Bến Đang; nâng cấp đường 481; nâng cấp hồ Yên Đồng và nhiều Dự án về làm đường giao thông, xây dựng trụ sở xã, trường học, bệnh xá, chợ, nước sạch...
Trong năm, toàn tỉnh đã có 18.044 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH và dự án tín dụng XĐGN Việt Đức Fa III với tổng dư nợ các chương trình là trên 123 tỷ đồng, đã giúp cho nhiều hộ nghèo có điều kiện tổ chức sản xuất, tăng thu nhập. Các cấp, các ngành, đoàn thể đã phối hợp tổ chức 65 lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo rút kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm ăn cho 5.870 lượt người nghèo, với tổng kinh phí thực hiện là 305 triệu đồng. Năm qua tỉnh cũng đã hỗ trợ 5 tỷ đồng cho 23 xã nghèo trọng điểm để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nghề về thôn, bản và xây dựng các mô hình giảm nghèo.
Cùng với chính sách hỗ trợ vốn, các cấp, ngành, địa phương còn thực hiện khá tốt các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Toàn tỉnh đã cấp 102.663 thẻ BHYT cho các đối tượng nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trong khám chữa bệnh. Các hoạt động miễn giảm học phí, tặng quà cho học sinh nghèo, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn... được tổ chức thường xuyên. Thực hiện đề án số 02 của HĐND tỉnh về việc "Hỗ trợ xây mới, cải tạo và sửa chữa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2009", các địa phương đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong việc hoàn thành các quy trình, thủ tục theo đúng quy định nhằm nhanh chóng hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn được sửa chữa, xây mới nhà ở, sớm ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Đến hết năm 2008 toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 54 hộ, xây mới, sửa chữa 821 nhà (xây mới 422 nhà, sửa chữa 399 nhà) cho người nghèo và gia đình chích sách, đạt 225,5% kế hoạch năm 2008. Ninh Bình là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước về công tác này.
P.V: Với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác giảm nghèo ở 23 xã nghèo trọng điểm của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự chuyển biến này và kinh nhiệm rút ra trong quá trình thực hiện là gì?
Đ/c NPP: Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh còn 11,38%, trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo tại 23 xã nghèo trọng điểm là 21,51%, có 5 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, trong đó xã Thạch Bình (Nho Quan) có tỷ lệ hộ nghèo tới 40,39%. Thế nhưng chỉ sau một năm phấn đấu quyết liệt, thực hiện Đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến 2010 (Dành cho các xã nghèo, cụm xã nghèo trọng điểm), đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở 23 xã nghèo trọng điểm còn 15,57%, giảm 5,94% so với năm 2007, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh năm 2008 xuống còn 9%. Đặc biệt, sự chênh lệch, khoảng cách nghèo giữa các xã, cụm xã, các vùng được thu hẹp lại, đã có 2 xã nghèo trọng điểm có tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, 5 xã nghèo trọng điểm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 12%. Xã Thạch Bình tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 21,65%. Điều đó khẳng định Nghị quyết số 10-NQ/TU và đề án số 15/ĐA-UBND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống.
Bài học kinh nghiệm bước đầu được rút ra trong công tác giảm nghèo ở tỉnh ta thời gian qua đó là: Phải huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành đối với công tác giảm nghèo. Thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể có sự chỉ đạo quyết liệt, thực sự bắt tay vào công cuộc chống đói nghèo thì ở nơi đó công tác giảm nghèo có hiệu quả, chuyển biến rõ rệt, hạn chế tình trạng tái nghèo. Phải tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho xã nghèo, vùng nghèo, cụm nghèo trọng điểm. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, phát động mạnh mẽ tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, động viên, tạo các điều kiện thuận lợi để người nghèo nỗ lực, chủ động vươn lên thoát nghèo. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo phải được thực hiện đồng bộ, gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và các chính sách xã hội. Và vấn đề quan trọng là phải nâng cao năng lực cho cán bộ giảm nghèo cấp cơ sở, đặc biệt là kỹ năng vận động quần chúng, huy động nguồn lực, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo. Song yếu tố quan trọng đầu tiên để giảm nghèo bền vững chính là ý thức vươn lên của các hộ nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực.
P.V: Xin đồng chí cho biết một số mục tiêu, giải pháp giảm nghèo trong năm 2009?
Đ/c NPP: Phát huy kết quả đạt được của năm 2008, trong năm 2009, công tác giảm nghèo năm 2009 của tỉnh sẽ tập trung vào các mục tiêu, giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo; tạo môi trường thuận lợi cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội, các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo nhanh, bền vững; đẩy nhanh tốc độ tăng thu nhập, mức sống cho hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, đề án chuyên đề về công tác giảm nghèo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh gắn với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án thuộc chương trình , mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Tăng cường đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, cụm xã nghèo trọng điểm, hỗ trợ các hộ nghèo về cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, nhất là ở những nơi có đất thu hồi để xây dựng các dự án nhằm phát triển kinh tế- xã hội. Tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng quốc tế và toàn thể nhân dân tham gia giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo... Toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2009 còn dưới 8% (Theo tiêu chí năm 2005).
P.V: Những ngày này, khi mà Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đã gần kề, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Lao động, thương binh và xã hội đã và đang có hoạt động tích cực nào nhằm góp phần cùng các cấp, các ngành chăm lo Tết cho người nghèo và các gia đình chính sách?
Đ/c NPP: Đã thành thông lệ, để chăm lo Tết cho người nghèo và các gia đình chính sách, từ nhiều tháng trước, Sở Lao động, thương binh và xã hội đã có công văn hướng dẫn, chỉ đạo phòng chức năng ở các huyện, thành phố, thị xã tập trung rà soát, tổng hợp các hộ có nguy cơ thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán và đói giáp hạt đầu năm 2009 để kịp thời tham mưu với các cấp ủy, chính quyền có phương án giúp đỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm, chúc tết gắn với khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo; chỉ đạo các cấp, các ngành chăm lo tết cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, để mọi nhà, mọi người đều được đón tết Kỷ Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đức Nghĩa (Thực hiện)