Những năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác XKLĐ ở tỉnh ta vẫn chưa xứng với tiềm năng lao động thực tế. Bởi vậy, với việc triển khai thực hiện Đề án số 12 được coi là cú "hích" mạnh mẽ, tạo ra bước đột phá trong XKLĐ. Một thay đổi lớn cần phải kể đến, đó là giúp người lao động khắc phục tình trạng thiếu vốn khi tham gia vào các thị trường lao động lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trước đây, để tham gia được vào các thị trường này, người lao động sẽ phải mất chi phí khoảng 110 triệu đồng, trong khi đó, những đối tượng thuộc diện vay vốn ưu đãi trong chính sách vay vốn của Chính phủ như: lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng… chỉ được mức vay 50 triệu đồng, đối với mức vay trên 50 triệu đồng thì phải có tài sản thế chấp. Khi triển khai thực hiện Đề án 12, những lao động thuộc diện được vay ưu đãi được tạo điều kiện để vay thêm từ nguồn vốn của Đề án để đi XKLĐ trong trường hợp không đủ tài sản đảm bảo để vay mức vay trên 50 triệu đồng. Như vậy, tùy nhu cầu của từng lao động, mức vay tối đa lên tới 100 triệu đồng, với mức vay này người lao động hoàn toàn có thể tham gia vào các thị trường thu nhập cao. Mặt khác, cũng theo Đề án, đối tượng được vay ưu đãi cũng được mở rộng hơn. Theo đó, ngoài những lao động thuộc diện chính sách thì những lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh cũng sẽ được vay vốn ưu đãi.
Đến thời điểm này, Yên Khánh là đơn vị duy nhất đã hoàn thiện việc khảo sát nhu cầu XKLĐ ở cả 19/19 xã, thị trấn. Theo kết quả khảo sát của huyện, hiện nay toàn huyện có trên 148 nghìn người, trong đó dân số trong độ tuổi từ 15-44 là trên 55 nghìn người, ước số thất nghiệp trong độ tuổi này là gần 1.400 người. Trong tổng số người trong độ tuổi lao động thì có trên 2 nghìn người có khả năng đi XKLĐ, trong đó có nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động thuộc xã đặc thù, lao động chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Cũng qua kết quả rà soát cho thấy, trong tổng số trên 2 nghìn lao động có khả năng đi XKLĐ, có gần 1 nghìn lao động đang có nhu cầu đi XKLĐ. Nếu những địa phương khác trong tỉnh cũng có nguồn lao động có nhu cầu XKLĐ tương đương với huyện Yên Khánh thì đây sẽ là một sự chuyển biến mang tính đột phá cho công tác XKLĐ của tỉnh ta ngay từ những năm đầu triển khai Đề án bởi tỉnh ta đã có nguồn lao động khá dồi dào.
Ông Vũ Đức Mạnh, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Ngay khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án XKLĐ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án XKLĐ cấp huyện và xã, trong đó phân công cụ thể thành viên trong Ban chỉ đạo phụ trách từng địa bàn cụ thể để thuận tiện trong việc đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án. Trên cơ sở đó, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn, xóm, tổ dân phố hàng quý rà soát, bình xét hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn và rà soát bổ sung trong trường hợp chưa đến thời gian định kỳ rà soát những người lao động có nhu cầu đi XKLĐ và có đơn đề nghị, lập danh sách, biên bản bình xét, báo cáo UBND cấp xã… Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tính toán các chỉ tiêu XKLĐ trong năm 2018. Theo đó, trong năm nay, toàn tỉnh phấn đấu sẽ đưa 1.400 lao động đi xuất khẩu, trong đó 1.000 lao động là chỉ tiêu chung và 400 lao động là chỉ tiêu của Đề án.
Để thực hiện được chỉ tiêu này và quan trọng hơn nữa là để Đề án phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng phiếu khảo sát nhu cầu xuất khẩu lao động, các mẫu danh sách, quy trình bình xét hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, quy định cụ thể đối tượng thuộc Đề án, hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát lập danh sách, hướng dẫn người lao động điền các phiếu khảo sát nhu cầu XKLĐ gửi về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công tác tạo nguồn và tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã làm việc và lựa chọn 5 doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những đơn vị có uy tín, có đơn hàng phong phú tại các thị trường chính là Nhật Bản và Đài Loan, phù hợp với nhu cầu XKLĐ của tỉnh tham gia thực hiện Đề án. Các doanh nghiệp này công bố cụ thể mức phí xuất cảnh, thời gian xuất cảnh, thị trường tuyển lao động, mức lương cơ bản, số tiền người lao động có thể tích lũy sau khi khấu trừ chi phí sinh hoạt, số lượng lao động dự tuyển… tại các buổi phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền xuống tận các khu dân cư để người lao động chủ động tham khảo để đưa ra quyết định. Khi tham gia vào tuyển lao động đi xuất khẩu theo Đề án số 12, các doanh nghiệp cũng sẽ phải nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, việc làm và thu nhập theo cam kết cho người lao động. Cũng trong các hội nghị tuyên truyền, Ngân hàng Chính sách xã hội đã dự thảo hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Đề án số 12, trong đó hướng dẫn cụ thể đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, định kỳ trả nợ, bảo đảm tiền vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, hồ sơ thủ tục cho vay, việc thu nợ, xử lý nợ rủi ro…
Một vấn đề có chiến lược lâu dài đó là nâng cao trình độ tay nghề, ý thức, tác phong và trình độ ngoại ngữ cho người lao động cũng đã được tỉnh ta đặc biệt quan tâm khi bắt tay triển khai thực hiện Đề án số 12. Bởi trước đây, một trong những khó khăn khiến người lao động tỉnh Ninh Bình khó tham gia vào thị trường lao động thu nhập cao, là do trình độ chuyên môn chưa phù hợp. Trình độ người lao động chủ yếu là lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo, trong khi đó, thời gian để các doanh nghiệp đào tạo nghề hướng dẫn, tư vấn, trang bị "phông" văn hóa về phong tục, tập quán, pháp luật của các nước mà lao động sẽ đến làm việc còn rất ngắn, chỉ vài tháng trở lại, từ đó người lao động khó nắm bắt được hết. Bên cạnh đó, ngay cả số lao động trước đó đã có chứng chỉ tay nghề, nhưng qua sát hạch vẫn chưa đạt yêu cầu của nước sở tại. Số lao động có tay nghề kỹ thuật cao, đáp ứng được yêu cầu chung của hội nhập còn chưa tương xứng… Thấy rõ những hạn chế của lao động tỉnh nhà, trong Đề án Xuất khẩu lao động của tỉnh cũng đặt việc học tập nâng cao trình độ, tác phong làm việc… cho người lao động làm nhiệm vụ then chốt. Có như vậy, lao động tỉnh ta mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao.
Đào Hằng