Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, Sở Công thương xác định phải làm tốt công tác dân vận, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sở đã phối hợp với các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ để tuyên truyền, vận động về cuộc vận động cho người tiêu dùng nhân Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới, Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Quan tâm tổ chức các hội nghị phổ biến các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh thương mại, phổ biến cho các doanh nghiệp về tiêu chuẩn, chất lượng, giá bán các mặt hàng, sản phẩm do các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Cung cấp thông tin để các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh những vấn đề cần khắc phục trong sản xuất, quản lý, phân phối và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước. Quan tâm tổ chức các hội nghị kết nối cung-cầu nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và các đơn vị kinh doanh có cơ hội lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước để kinh doanh. Bên cạnh đó, thông qua việc giải quyết các thủ tục hành chính tại Sở, qua các chương trình khuyến mại, hội chợ… lồng ghép tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hưởng ứng cuộc vận động. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, lựa chọn nguyên liệu, sản phẩm đảm bảo chất lượng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm mang thương hiệu Việt trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức được việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước trong mua sắm công, tiêu dùng cá nhân và gia đình. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tích cực hưởng ứng cuộc vận động bằng việc đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, mở rộng hệ thống phân phối, nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh của doanh nghiệp.
Hưởng ứng cuộc vận động, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực, chủ động hơn trong xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng bền vững, lâu dài, sản phẩm mẫu mã ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, chất lượng đảm bảo với mức giá hợp lý, tỷ lệ hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh được nâng cao. Các doanh nghiệp phân phối lớn đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng, các sản phẩm Việt để tổ chức hệ thống phân phối. Hiện nay, các mặt hàng công nghệ phẩm mà các doanh nghiệp trong tỉnh kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm hàng Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị cũng nhận thức được ý nghĩa của cuộc vận động nên tỷ lệ hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh được bày bán tại các siêu thị Big C, Vinmart, Lan Chi Mart… chiếm tới 90%. Từ năm 2016 đến nay, Sở Công thương đã tiếp nhận 1.450 chương trình khuyến mại của 89 doanh nghiệp với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại đạt 589 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã tổ chức 2 hội chợ thương mại trên địa bàn với phần lớn hàng hóa sản xuất trong nước. Trong dịp Tết Nguyên đán 2 năm gần đây, các doanh nghiệp đã phối hợp với Sở Công thương triển khai thực hiện 2 chương trình bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện cuộc vận động, Sở Công thương đã làm tốt công tác tham mưu với tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường trong nước. Sở đã điều chỉnh tiến độ đầu tư của 8 cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp. Triển khai các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, rút ngắn thời gian cấp C/O, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận trong xuất khẩu hàng hóa. Qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở thị trường ngoài nước. Đặc biệt, Sở đã vận động, hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 điểm bán hàng Việt bền vững trên địa bàn tỉnh: 1 điểm tại thành phố Ninh Bình, 1 điểm tại thành phố Tam Điệp và 1 điểm tại huyện Yên Khánh. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Sở cũng quan tâm tổ chức gần 100 điểm bán hàng bình ổn giá tại các địa phương trong tỉnh. Hoạt động này được triển khai 5-6 năm nay, tạo hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhận thức, thói quen của người tiêu dùng về việc dùng hàng sản xuất trong nước.
Lý Nhân