Trong điều kiện thời tiết, khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp, cực đoan, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân; môi trường sống ngày càng ô nhiễm, tỉnh Ninh Bình luôn xác định trồng cây, gây rừng là việc làm quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hằng năm, tỉnh đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu về trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, chăm sóc rừng và trồng cây phân tán.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức rà soát hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch về trồng cây, trồng rừng đảm bảo sát với thực tế, khả thi nhất, tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị.
Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện các bước khảo sát, thiết kế, lựa chọn cây trồng có giá trị, phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng.
Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã trồng được 2.710 ha rừng tập trung, hơn 5 triệu cây phân tán, diện tích rừng được bảo vệ trung bình đạt trên 15.700 ha/năm, diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng là hơn 80 ha/năm, chăm sóc rừng là gần 360 ha/năm.
Riêng năm 2020 vừa qua, Ninh Bình trồng được 465 ha rừng tập trung, trong đó rừng phòng hộ chắn sóng ven biển là 20 ha, số lượng cây phân tán trồng mới đạt 550 nghìn cây, chủ yếu trồng ven đường giao thông, kênh mương, công sở, trường học, bệnh viện, vườn hộ. Điều đáng nói là thời gian qua, tỉnh ta đã làm rất tốt việc xã hội hóa công tác trồng cây xanh.
Thông qua các cuộc phát động Tết trồng cây vào dịp đầu năm đã vận động, khuyến khích được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia trồng cây. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cụm dân cư chủ động mua cây xanh và tổ chức thực hiện trồng cây, trồng rừng đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.
Hiện nay, Ninh Bình cũng đã xây dựng được danh mục các loài cây trồng phân theo chức năng và địa điểm trồng để các tổ chức, cá nhân căn cứ vào đó, lựa chọn cây trồng cho phù hợp.
Cụ thể, nếu phân theo chức năng các loại cây thì có nhóm cây bóng mát kết hợp lấy gỗ lớn, nhóm cây cảnh quan, nhóm cây bóng mát kết hợp với cây ăn quả, nhóm cây bóng mát kết hợp với tâm linh; còn theo địa điểm trồng thì phân ra cây trồng dọc đường giao thông, cây trồng trong khuôn viên trường học, cây trồng tại các khu đô thị, cơ quan, đơn vị, cây trồng tại các cơ sở y tế, cây trồng tại các điểm di tích lịch sử, điểm du lịch và cây trồng tại vườn đồi, vườn nhà. Ví dụ như nhóm cây bóng mát kết hợp với gỗ lớn bao gồm 13 loài là: Lát hoa, Xà cừ, Long não, Dổi, Sao đen, Tếch, Nhội, Sưa, Muồng đen, Giáng hương, Re hương, Chò nâu, Chò chỉ…
Thực hiện chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời coi đây là kế hoạch cụ thể góp phần tôn tạo, phát huy mạnh mẽ tiềm năng du lịch sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên trên địa bàn, đưa tỉnh trở thành Trung tâm du lịch của khu vực và cả nước, Ninh Bình đã xây dựng một kế hoạch rất cụ thể để triển khai.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu trồng được trên 5,5 triệu cây xanh và 200 ha rừng giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị cao hơn so với trung bình của cả nước và đạt 5,5 m2/người. Riêng trong năm 2021, phấn đấu trồng mới được 1 triệu cây xanh và 40 ha rừng.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn, đất quy hoạch trồng cây xanh… để xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây hàng năm.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân về mục đích, ý nghĩa toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây.
Huy động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng cây xanh vì cộng đồng. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải là người gương mẫu thực hiện.
Cụ thể hóa các chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay trong đợt Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021 vừa qua, theo tổng hợp từ Chi cục Kiểm lâm, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã trồng được 126.500 cây xanh. Trong đó, số lượng cây đã trồng tại các điểm phát động của các huyện, thành phố là 2.700 cây, số cây đã trồng tại các điểm khác là 123.800 cây.
Các loài cây được trồng chủ yếu là Sưa, Gió bầu, Xoài, Sấu, Muồng Hoàng Yến, Keo, Kim giao, Xà cừ, Long não… Từ những kết quả bước đầu này có thể khẳng định, mục tiêu trồng mới 5,5 triệu cây xanh sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức vào năm 2025.
Nguyễn Lựu