Những chuyển biến tích cực Trong những năm gần đây, công tác ATTP đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý ATTP. Việc phân công quản lý Nhà nước về ATTP giữa các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương cũng đã rõ ràng nên không còn phổ biến câu chuyện "một bát canh 3 ngành quản lý" như nhiều năm về trước.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức quản lý ATTP bước đầu đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Tình hình ngộ độc thực phẩm đã được kiểm soát.
Nhiều cơ sở đã đầu tư cải tạo, nâng cấp khu vực sản xuất, chế biến; chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tiến hành công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thực hiện tốt quy chế nhãn sản phẩm; cho nhân viên đi khám sức khỏe định kỳ, tổ chức học tập kiến thức ATTP, trang bị bảo hộ lao động khi sản xuất, chế biến. Việc sử dụng các loại thuốc, phụ gia hóa chất trong danh mục cấm đã giảm...
Đại diện Sở Công thương cho biết: Qua công tác điều tra, khảo sát và kiểm tra, kiểm soát về ATTP, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh nói chung và các cơ sở sản xuất, kinh doanh 6 nhóm mặt hàng thực phẩm rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo thuộc trách nhiệm quản lý của ngành đều chấp hành tốt các quy định về ATTP trong kinh doanh. Hàng hóa được công bố chất lượng, công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định về ATTP theo quy định.
Còn theo báo cáo của Sở Nông nghiệp &PTNT, hai năm 2016-2017, kết quả giám sát dư lượng thuốc BVTV trên rau, củ, quả cho thấy số lượng các mẫu có dư lượng vượt ngưỡng cho phép đã giảm đáng kể so với các năm trước. Bên cạnh đó, cũng không phát hiện việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; việc sử dụng hàn the, urê, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản độc hại giảm. Riêng trong năm 2017, đơn vị đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 75 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm trên toàn tỉnh.
Ngoài ra, sau 2 năm triển khai mô hình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, 2 xã thực hiện thí điểm là Khánh Thành (huyện Yên Khánh) và Yên Thái (huyện Yên Mô) đã được chứng nhận xã đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp đảm bảo ATTP. Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra 13 xã khác trên địa bàn tỉnh, đây là một bước tiến quan trọng để Ngành kiểm soát ATTP ngay trong quá trình sản xuất, tức là kiểm soát từ gốc.
Vẫn còn nhiều bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chồng chéo. Hiện nay, phần lớn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoạt động nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình nên nhận thức chấp hành pháp luật về ATTP còn nhiều hạn chế. Cơ sở chật hẹp nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng theo đúng quy định về ATTP khó thực hiện, sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc...
Việc kiểm soát thuốc BVTV; kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản, hormon tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi chưa chặt chẽ. Việc giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến ở các địa phương; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động buôn bán thực phẩm tươi sống còn hết sức thô sơ và mất vệ sinh.
Hạ tầng sản xuất chưa được quy hoạch, nguồn nước cung cấp cho tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp không được kiểm soát, các điểm thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng như vỏ bao thuốc BVTV chưa nhiều.
Nguyên liệu đầu vào chưa quản lý hiệu quả, công tác quản lý thị trường phân phối thực phẩm còn nhiều bất cập, việc xử lý vi phạm pháp luật còn chưa nghiêm, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe…
Ngay trong đợt khảo sát nhà hàng, khách sạn tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh mới đây của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, nhiều bất cập đã được chỉ ra. Cụ thể như: các khu bếp hầu hết rất chật hẹp, ẩm thấp; thức ăn chín và thức ăn sống để lẫn lộn, việc sơ chế thực phẩm được tiến hành ngay dưới sàn nhà, thậm chí ngay trước cửa nhà vệ sinh. Ngoài ra, nhân viên tại đây đa phần không được khám sức khỏe định kỳ, không đeo bao tay khi chế biến thức ăn chín...
Chỉ ra những nguyên nhân những hạn chế này, ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Nhân lực làm công tác ATTP của ngành còn thiếu và yếu. Đặc biệt, tại huyện và xã chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng và ATTP nông, lâm, thủy sản. Kinh phí phục vụ cho hoạt động còn hạn hẹp.
Ngoài ra, còn một số chồng chéo, chưa nhất quán trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tiêu biểu như tại khoản 5, điều 19 của Nghị định 38/2010/NĐ-CP quy định "Đảm bảo nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước".
Tuy nhiên, tại điều 4 của Nghị định này lại quy định việc tiếp nhận bản công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP của tất cả các ngành khác lại do ngành Y tế thực hiện, dẫn đến một sản phẩm, một cơ sở phải chịu sự quản lý của hai ngành khác nhau.
Cùng quan điểm như vậy, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng: Các văn bản pháp quy về ATTP còn một số nội dung chưa có sự thống nhất; việc phân cấp ATTP cho 3 ngành bị dàn trải, khó thực hiện dẫn đến một số hoạt động bị chồng chéo và một số đối tượng bị bỏ sót; vấn đề phối hợp trong kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát chất lượng thực phẩm sau công bố chưa có sự thống nhất giữa các ngành trên địa bàn tỉnh... Một số ý kiến khác cũng cho rằng, có việc "lấn sân" trong công tác thanh, kiểm tra diễn ra từ nhiều năm nay và mặc dù tổ chức kiểm tra nhiều nhưng xử lý đạt thấp, kỷ luật không nghiêm dẫn đến hiện tượng "nhờn luật".
Đánh giá chung về vấn đề này, ông Phạm Hồng Thái, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận xét, việc kiểm soát ATTP hiện mới chỉ ở mức trung bình, do đó nguy cơ mất ATTP vẫn còn rất cao. Nguyên nhân là lực lượng cán bộ so với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quá mỏng. Không chỉ thiếu về số lượng mà năng lực của cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP còn hạn chế, nhất là ở tuyến huyện, xã không có cán bộ chuyên trách.
Cùng với đó, kinh phí chi cho công tác bảo đảm ATTP nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP nói riêng của tỉnh rất khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ, nhất là cho công tác giám sát, kiểm nghiệm mẫu và tiêu hủy sản phẩm thực phẩm vi phạm.
Hơn nữa, thiếu những kiến thức khoa học về thực phẩm tươi sạch cũng là yếu tố khiến cho các sản phẩm không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn đang được tiêu dùng một cách phổ biến hiện nay.
Trên cơ sở kết quả khảo sát vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh sẽ có những kiến nghị để các cấp, các ngành từng bước tháo gỡ khó khăn, sửa đổi, bổ sung để quản lý ATTP chặt chẽ trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu bảo đảm cho phát triển sản xuất, phát triển kinh tế; bảo đảm cho sức khỏe, môi trường cũng như thu hút đầu tư, khách du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hà Phương