Sự gia tăng của giá cả thị trường làm đời sống của người dân gặp không ít khó khăn, thị trường hàng hóa lưu thông chậm. Đi kèm theo đó, một số thương nhân lợi dụng tình hình thị trường có những khó khăn nhất định đã có những hành vi vi phạm về giá nhằm thu lợi bất chính, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc nhóm giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ. Việc thực hiện các quy định về giá cả trên thị trường là một trong những nội dung được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhằm bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát.
Đồng chí Bùi Văn Quý, Phó Giám đốc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Để thực hiện việc bình ổn thị trường, Chi cục chỉ đạo các đội kiểm tra chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kết hợp công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với công tác chống đầu cơ, nâng ép giá bất hợp lý và các hành vi không niêm yết giá, không thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo quy định, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường, tạo sự khan hiếm giả tạo để tăng giá bán nhằm thu lợi bất chính.
Qua kiểm tra 1.436 vụ việc có nội dung về giá, Chi cục Quản lý thị trường đã xử phạt 295 vụ vi phạm các quy định về giá, trong đó có 287 vụ vi phạm về không thực hiện niêm yết giá bán, 7 vụ vi phạm về đăng ký giá, 1 vụ vi phạm về kê khai giá, với tổng số tiền thu phạt là 279,4 triệu đồng; buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá, kê khai giá, đăng ký giá theo đúng quy định.
Bên cạnh việc kiểm tra, nghiêm túc xử phạt các hành vi vi phạm về giá, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực giá liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện niêm yết giá bán tại quầy hàng, điểm giao dịch hàng hóa, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức như trên đài truyền hình, truyền thanh 3 cấp và thông qua Ban quản lý các chợ.
Thông qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giá của Chi cục Quản lý thị trường đã có tác động đến ý thức thực thi pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cũng đã nhận thức được rằng việc chấp hành các quy định về giá, nhất là việc niêm yết giá là thể hiện văn minh thương mại.
Những kết quả trên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc bình ổn giá và kiểm soát thị trường ở tỉnh ta, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay giá cả các mặt hàng thuộc yếu tố đầu vào liên tục tăng, lãi vay ngân hàng vẫn đứng ở mức cao; các tư thương còn ngại đăng ký, niêm yết và bán theo giá niêm yết, gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh tăng giá hàng hóa dịch vụ không hợp lý, gây bất ổn thị trường như nhà hàng, nhà trọ cho thuê, giá vận chuyển hành khách đường dài. Ngoài ra, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, rất khó kiểm soát do lực lượng chức năng quá mỏng. Vì vậy, năm 2012, các ngành chức năng, đặc biệt là Chi cục Quản lý thị trường cần tiếp tục chú trọng giải pháp bình ổn giá, kiểm soát thị trường theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Nguyễn Thơm