Chị Hồng Hạnh ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Đã thành thông lệ, đầu xuân năm mới bao giờ gia đình tôi cũng đi lễ ở đền, chùa để cầu một năm cho gia đình bình an, mạnh khỏe. Hai năm qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tôi vẫn giữ thói quen đi lễ đầu năm. Để tránh tập trung quá đông người, tôi đi lễ ở Đền muộn hơn mọi năm. Tuy vậy, vẫn có khá nhiều du khách thập phương tới thăm quan, chiêm bái và dâng lễ tại Đền.
Qua quan sát, tôi thấy mọi người đều chấp hành khá nghiêm các quy định trong phòng dịch. Chúng tôi được hướng dẫn vào theo từng tốp nhỏ, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn và giữ khoảng cách trong quá trình thực hiện lễ. Tại cơ sở thờ tự dán mã QR tại nhiều vị trí, bố trí lực lượng trực tại khu vực cổng vào để hướng dẫn người dân quét mã, khai báo y tế cũng như chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang phục vụ nhân dân và du khách.
Đi lễ chùa cầu bình an cho gia đình vào dịp đầu xuân năm mới là một nếp quen từ nhiều năm nay của gia đình bà Quách Thị Lâm (xã Đức Long, huyện Nho Quan).
Bà Lâm cho biết: Nhiều năm nay, tôi vẫn giữ thói quen đi lễ chùa đầu năm tại những ngôi chùa ở gần nhà. Khác với mọi năm, năm nay tôi chọn thời điểm buổi trưa mới đi lễ ở chùa Phú Nhiêu để tránh tập trung đông đúc. Mọi năm, tôi đi cả gia đình, đưa cả con, cháu tham gia để các con phần nào hiểu được nét đẹp lễ chùa đầu năm của dân tộc mình. Nhưng năm nay, để phòng dịch, hạn chế tập trung đông người tôi chỉ đi một mình.
Trước khi lên chùa, tôi xem xét tình trạng sức khỏe của bản thân. Tôi đeo khẩu trang trong suốt quá trình hành lễ, giữ khoảng cách trên 1 mét đối với người đối diện. Tôi cũng chủ động thực hiện các nghi lễ thành tâm nhưng nhanh chóng, ngắn gọn. Đến chùa, tôi thấy đa số mọi người đều có ý thức phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang đầy đủ nên tôi cũng yên tâm. Khi về nhà, tôi thực hiện vệ sinh sát khuẩn tay, súc miệng họng… theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Đại đức Thích Thanh Hải, trụ trì chùa Phú Nhiêu (xã Đức Long, huyện Nho Quan) chia sẻ: Ngôi chùa này có tuổi đời hàng trăm năm. Hàng năm, nhất là mỗi độ Tết đến, xuân về, nhân dân địa phương, du khách thập phương tới vãn cảnh, dâng lễ cầu may mắn khá đông đúc.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện và của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, một số hoạt động Phật sự lớn cũng được ngưng, hoãn để tránh việc tập trung đông người.
Bên cạnh đó, nhà chùa cũng đã triển khai các hoạt động thiết thực, góp phần cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch. Đối với những người dân, phật tử và du khách địa phương đến chùa lễ phật trong dịp này đều được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, nhà chùa còn chủ động bố trí dung dịch sát khuẩn tay, chỗ rửa tay, khẩu trang… cho phật tử đi lễ chùa và yêu cầu mọi người phải mang khẩu trang trong suốt quá trình hành lễ. Ngoài ra, bộ phận công quả ở nhà chùa tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch…
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 230 lễ hội được tổ chức trong năm. Trong đó, có trên 150 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân và tháng Giêng có trên 50 lễ hội. Hầu hết, các lễ hội ở tỉnh là lễ hội làng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh không tổ chức các hoạt động văn hóa, phần hội để hạn chế tập trung đông người. Riêng phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo sự thành kính, trang nghiêm.
Tại các nơi thờ tự, chính quyền địa phương phối hợp với Ban quản lý các di tích đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt tinh thần không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Các nghi lễ cũng được thực hiện đảm bảo trang nghiêm nhưng ngắn gọn, hạn chế tập trung đông người đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lễ, tham quan.
Dẫu không có nhiều các hoạt động trong phần hội, song các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh cũng vẫn thu hút và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách tới thăm quan, thưởng lãm.
Bà Lê Thị Vừng một du khách đến từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam chia sẻ: Đầu năm, tôi thực hiện chuyến hành hương về vãn cảnh và dâng lễ ở Đền vua Đinh, Đền vua Lê, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư). Không có sự tấp nập, đông đúc như ở những mùa lễ hội trước, song đây lại là cơ hội để cho tôi được trải nghiệm khoảng không gian thoáng đãng, yên bình và linh thiêng vốn có của nơi thờ tự. Là dịp để mỗi người được chiêm nghiệm, tìm sự bình an, thanh thản cho chính mình.
Tôi cũng có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu sâu về lịch sử của khu di tích lịch sử, có thêm hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương thay vì chỉ tập trung vào việc lễ bái do có quá đông người. Đây thực sự là chuyến hành hương về nguồn ý nghĩa, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với tôi.
Đào Hằng