Chúng tôi về Cồn Thoi, một trong những xã nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Đời sống của bà con nơi đây còn bộn bề vất vả, do vậy việc phát triển kinh tế gắn liền với nâng cao đời sống của người dân được chính quyền xã coi là một trong những mục tiêu quan trọng.
Hỗ trợ tích cực cho địa phương, nhiều năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Kim Sơn đã tạo điều kiện cho hàng trăm lượt hộ gia đình ở đây tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Đến thăm xưởng đá mỹ nghệ của gia đình ông Nguyễn Kim Thành ở xóm 5, chúng tôi được biết, ông làm đá mỹ nghệ đã hơn 6 năm nay, có kinh nghiệm, có kỹ thuật nên xưởng của ông không lúc nào ngớt việc tuy nhiên như lời ông nói thì "làm đá phải đầu tư trăm thứ nên vốn đầu tư chẳng bao giờ là đủ".
Năm 2017, gia đình ông được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH để mua thêm máy móc, nguyên vật liệu mở rộng sản xuất. Tổng kết năm vừa qua, doanh thu của xưởng đạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, xưởng còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập 5-9 triệu đồng/người/tháng.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Giang cùng xóm cũng vươn lên làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi. Anh Giang tâm sự: Bà con vùng này chủ yếu sống dựa vào nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thời tiết khắc nghiệt, môi trường nước bị ô nhiễm, sản xuất bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với những hộ nuôi quảng canh như chúng tôi.
Thế nên để sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động của các yếu tố môi trường không còn cách nào khác là phải đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao nhưng muốn làm được phải có vốn. May mắn là vừa qua tôi được tiếp cận với nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH. Với nguồn vốn dành dụm của gia đình và 50 triệu đồng vay được, vợ chồng tôi đầu tư gia cố lại ao đầm, làm nhà bạt, mua giống tôm, cua chất lượng và ngay vụ đầu tiên đã thu lời hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cồn Thoi cho biết: ở những vùng xa xôi khó khăn như Cồn Thoi, hầu như không có chi nhánh của các ngân hàng thương mại, nếu có cũng chỉ ở các thị trấn. Khi bà con chúng tôi muốn đến giao dịch với ngân hàng phải mất rất nhiều thời gian và chi phí đi lại, nhất là khi có sai sót về hồ sơ thì càng thêm vất vả.
Do vậy, có thể nói chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH là một cứu cánh vì ngân hàng tổ chức giao dịch ngay tại xã. Hơn nữa, đối tượng vay vốn của chương trình không cần thuộc diện hộ nghèo, nên mọi người dân đều có thể tiếp cận dễ dàng chỉ cần có phương án sản xuất, kinh doanh tốt là được.
Hiện nay Hội Cựu chiến binh xã đang quản lý hơn 4 tỷ 200 triệu đồng của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn với 107 hộ vay. Từ nguồn vốn này, nhiều mô hình làm giàu như các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương... đã ra đời, giúp thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình, có hộ đã vươn lên làm giàu thành công, từ đó góp phần thay đổi diện mạo địa phương ngày một hiện đại hơn, tươi sáng hơn, giảm chênh lệch tăng trưởng với các vùng khác trong huyện, tỉnh.
Được biết ngay từ khi mới triển khai chương trình, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn đã chủ động tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện quán triệt, triển khai đến các thành viên Ban đại diện, các Phòng, ban có liên quan và cấp ủy, chính quyền cơ sở để tuyên truyền rộng khắp đến người dân được hưởng chính sách để họ biết và thực hiện.
Kết quả, sau gần 10 năm triển khai, toàn huyện đã có trên 4 nghìn lượt hộ được vay vốn với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng. Thông qua tín dụng sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đã giải quyết một phần về vốn cho các xã vùng ven biển, nhất là vốn nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Việc cho vay được ủy thác qua các tổ chức hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn, do vậy tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu