Theo đó, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa; chủ động về diện tích đất để bố trí gieo trồng cây vụ đông; đảm bảo an ninh lương thực với việc mở rộng và chú trọng thâm canh diện tích lúa cao sản; tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây, con để đạt giá trị cao nhất trên 1 ha canh tác.Với mục tiêu chung như vậy, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 40.000 ha lúa, trong đó có 10.000 ha là giống lúa cao sản, trồng 2.500 ha ngô, 5.000 ha lạc, 400 ha cói, 1.800 ha sắn, 1.500 ha mía và 3.000 ha rau đậu.
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang chủ động, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho vụ sản xuất thắng lợi, nhất là ở lĩnh vực gieo cấy lúa đông xuân. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, đến trung tuần tháng 12, khâu làm đất đang được các địa phương tích cực triển khai theo phương châm "một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân". Các địa phương đang triển khai mạnh khâu này là: Yên Khánh, Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn.
Khâu giống cũng đã được các doanh nghiệp dịch vụ tập kết đưa về địa bàn và cung ứng khá đầy đủ với chủng loại phong phú, giá hợp lý. Đặc biệt, ngoài giống Phú ưu 1, Phú ưu 978, CNR5104; Công ty cổ phần Giống cây trồng, con nuôi còn nhập về giống Thục hưng số 6... đáp ứng đủ lượng giống lúa cao sản cho các địa phương thực hiện dự án.
Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang cho biết: Đến thời điểm ngày 16-12, Công ty đã đưa về địa bàn trên 400 tấn giống lúa lai cao sản gồm: 300 tấn Phú ưu số 1, 60 tấn Phú ưu 978, 60 tấn CNR 5104. Công ty đã thực hiện cung ứng theo yêu cầu của hầu hết các HTX trong tỉnh từ địa bàn huyện miền núi Nho Quan đến các HTX vùng ven biển Kim Sơn. Như vậy, đây là năm đầu tiên thực hiện chính sách "tam nông" của Đảng, sản xuất lương thực của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu giống, giống lúa cao sản sẽ chiếm tỷ lệ cao.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn ngày càng được tăng cường, đê điều được gia cố vững chãi, kiên cố (đê Bình Minh II, đê Năm Căn, đê tả Hoàng Long); các trạm bơm, kênh mương được xây dựng và kiên cố hóa; giao thông nông thôn được bê tông hóa, cứng hóa; công tác thủy lợi nội đồng được chú trọng. Đang là mùa hanh khô, điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi, các địa phương tích cực tổ chức bồi trúc kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, nạo vét kênh tưới, khơi thông kênh tiêu... nhằm chuẩn bị tốt nhất điều kiện tưới, tiêu cho vụ đông xuân sắp tới.
Nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai, công tác khuyến nông hoạt động tích cực, có hiệu quả... đã tạo điều kiện và kích thích các hộ nông dân đầu tư, thâm canh tăng năng suất. Mặt khác, thời gian qua Chính phủ đã triển khai có hiệu quả các biện pháp kiềm chế lạm phát. Nhờ đó, lạm phát bước đầu đã được khống chế, giá cả các loại hàng hóa, vật tư nông nghiệp đã chững lại và có xu hướng giảm thuận lợi cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương: Nhiệt độ trung bình toàn mùa xấp xỉ hoặc lớn hơn trung bình nhiều năm. Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên sẽ xảy ra trong tháng 1. Nhiệt độ thấp nhất trong mùa từ 6-8 độ C, vùng núi dưới 6 độ C. Thực tế vụ đông xuân vừa qua đã cho thấy tính chất phức tạp của thời tiết, khí hậu, đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm chết nhiều diện tích mạ và lúa mới cấy ở các địa phương trong tỉnh. Do vậy, rét đậm, rét hại sẽ là khó khăn lớn của vụ sản xuất đông xuân năm nay, nhất là diện tích mạ gieo ở trà xuân muộn.
Cũng theo dự báo, tổng lượng mưa toàn mùa xấp xỉ ở mức trung bình nhiều năm và đầu vụ có thể xảy ra hạn hán, khó khăn cho khâu làm đất và gieo cấy. Vấn đề này cũng đã xảy ra trong các vụ sản xuất đông xuân ở các năm qua và rất cần có sự chủ động đề phòng trong vụ tới.
Bên cạnh đó, tình hình phát sinh, phát triển gây hại của các đối tượng dịch hại (sâu bệnh, chuột hại...) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất trong vụ. Những năm gần đây, sâu bệnh, dịch hại có chiều hướng phát triển mạnh với quy mô ngày càng rộng, mức độ nghiêm trọng hơn. Loại sâu bệnh, dịch hại đáng chú ý trong vụ là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, khô vằn, bệnh đạo ôn, chuột hại... Điều quan tâm hơn cả là công tác dự tính, dự báo phải đi trước một bước và phải đảm bảo chính xác, kịp thời để phòng trừ có hiệu quả.
Ngoài ra còn một số khó khăn nữa đối với vụ sản xuất đông xuân năm nay như giá nông sản, lúa hàng hóa dao động mạnh và có chiều hướng giảm. Đó sẽ là khó khăn lớn cho người nông dân trong việc đầu tư cho sản xuất khi mà nguồn thu của họ, mọi chi phí cho sản xuất đều trông chờ vào hạt lúa, củ khoai.
Bao giờ cũng vậy, sản xuất nông nghiệp nói chung và lương thực nói riêng là lĩnh vực sản xuất luôn gặp nhiều rủi ro, với những khó khăn chồng chất. Nhưng với kinh nghiệm đã được đúc kết qua nhiều vụ sản xuất, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành với những chính sách, chương trình, dự án cụ thể..., vụ lúa đông xuân 2008-2009 của tỉnh sẽ giành thắng lợi.
Đinh Chúc