Dành thời gian để tìm hiểu giữa hoạt động của các thư viện và văn hóa đọc, có thể thấy rằng nếu không tâm huyết, không có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp thì cả hoạt động của thư viện và văn hóa đọc đều dễ bị nhạt phai theo thời gian, nhất là sự phát triển mạnh như "vũ bão" của công nghệ thông tin hiện đại...
Tìm đâu ra... các thư viện
Về làng La Mai (xã Ninh Giang - Hoa Lư) theo lời giới thiệu từ Phòng Văn hóa - Thể thao huyện, không khó để hỏi thăm thư viện của làng. Vẫn còn đó biển đỏ chỉ "Thư viện La Mai" nhưng giờ địa điểm đó đang là nơi HTX nông nghiệp hoạt động. Hỏi thăm cán bộ HTX chúng tôi được biết: Thời điểm Thư viện hoạt động mạnh nhất, thu hút đông độc giả nhất là thời điểm cách đây đã... 2 năm. Lý do là khi một số xóm được chia tách, không có người đảm nhiệm công việc thủ thư. Lý do quan trọng hơn là vì HTX không có chế độ trả cho người trông coi thư viện nên thư viện dần đóng cửa, nhường chỗ cho HTX hoạt động. Tìm gặp người từng trông coi thư viện La Mai để hỏi chuyện, người thủ thư già rất nhiệt tình với những câu hỏi của chúng tôi.
Trong dòng suy tưởng của mình, người thủ thư già vẫn nhớ: Ngày đó (dù cách đây chưa lâu), phòng đọc của thư viện làng thường chật ních người đọc. Thiếu niên, nhi đồng, người trung tuổi cho đến các cụ cao tuổi, đủ mọi đối tượng, lứa tuổi trong làng đều tập trung về đây mỗi buổi chiều để tìm đọc những thông tin mà mình yêu thích. Để phục vụ độc giả làng, số sách báo của thư viện chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu bạn đọc. Vậy mà người thủ thư già không quản ngại đường xá đi lại xa xôi, lên Phòng Văn hóa - Thể thao huyện xin giấy giới thiệu để trực tiếp lên Thư viện tỉnh mượn sách. Mỗi lần vài chục cuốn, sau vài tuần lại trả để mượn sách mới, chính vì vậy mà người dân La Mai có sách báo để đọc thường xuyên. Cho đến khi La Mai chia tách thành các xóm mới, HTX không thể chi trả tiền công trông coi thư viện nữa, thư viện La Mai đành đóng cửa. Chỉ vào kho sách cũ, giọng người thủ thư già ngậm ngùi: Sách đấy, nhưng mà mối mọt hết rồi, giờ có mang ra cũng không đọc được nữa...
Độc giả ở Nhà Văn hóa xóm 2, xã Ninh Giang (Hoa Lư). Ảnh: Phạm Trường
Không chỉ riêng ở La Mai, tìm hiểu về hoạt động của hệ thống thư viện cấp huyện, thư viện cấp xã và thư viện xóm ở một số địa phương trong tỉnh, thực trạng chung của các thư viện là hoạt động còn rất nhiều khó khăn, đầu sách để phục vụ cho nhu cầu đọc của nhân dân có ít, thể loại không phong phú và không được cập nhật thường xuyên. Thậm chí, có nơi thư viện chỉ hoạt động mang tính hình thức.
Về Thư viện huyện Gia Viễn có địa điểm ngay tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, mặc dù có địa điểm thuận tiện nhưng số lượng người đến tìm đọc không nhiều. Ông Bùi Xuân Thúy, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trước đây Thư viện huyện đã hoạt động nhưng do không hiệu quả nên đóng cửa nhiều năm. Từ năm 2009, Thư viện huyện hoạt động trở lại nhờ sự tâm huyết của những cán bộ làm công tác văn hóa huyện. Được đầu tư, sửa chữa nâng cấp từ đầu sách, kệ sách, chỗ ngồi... cho đến bố trí cán bộ trực.. với hơn 4.000 đầu sách nhưng Thư viện Gia Viễn trông khá nghèo nàn, vắng vẻ. Người tìm đến đọc không có vì Thư viện cũng không có nhiều diện tích để bố trí khu vực đọc sách. Người tìm đến mượn sách thì cũng quanh quẩn ở địa bàn thị trấn Me, cán bộ, công chức huyện. Số lượng độc giả thường xuyên đến mượn sách chỉ khoảng 50-60 người. Còn ở Thư viện huyện Hoa Lư, nếu ai có nhu cầu đọc hay mượn sách thì rất khó tìm được vì thư viện của huyện được đặt trên tận... tầng 4 của trụ sở UBND huyện.
Ông Hoàng Việt Nam, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện cho hay: Thư viện huyện thực chất là thư viện của UBND huyện, phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của cán bộ, công chức các cơ quan huyện. Do không có địa điểm, nơi hoạt động nên Thư viện huyện Hoa Lư không phục vụ nhu cầu của nhân dân. Dừng lại trước cửa Thư viện huyện, ngó vào căn phòng rộng chừng chục mét vuông đặt vài kệ sách, chúng tôi thấy buồn vì với diện tích như vậy, làm sao có thể phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu thông tin của nhiều người trong cùng một lúc. Chính vì vậy mà thư viện huyện 1 tháng chỉ có khoảng 20-30 lượt người đến mượn sách...
Văn hóa đọc đang dần mai một ?
Dịp hè về, đưa con đến Thư viện tỉnh để đăng ký làm thẻ thư viện, trực tiếp chứng kiến cảnh tấp nập của thư viện với hàng chục bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi được hưởng không khí tiếp cận với văn hóa đọc một cách đầy đủ, khoa học với các phòng đọc rộng rãi, mát mẻ, đầu sách phong phú đủ chủng loại, có cả thư viện điện tử hiện đại... cùng một lúc, trong lòng tôi chợt thấy "chạnh lòng" khi nghĩ về những thư viện cấp huyện, cấp xã... mà trong những buổi đi tác nghiệp, chúng tôi đã từng đến thăm.
Khi thư viện ở một số địa phương hoạt động không hiệu quả rồi dần chấm dứt hoạt động, nhiều người đổ lỗi tại các phương tiện giải trí mới, tại Internet, game online, báo điện tử... dẫn đến văn hóa đọc của người dân bị mai một, khiến thói quen tìm đến thư viện để đọc sách không còn. Không thể phủ nhận rằng với nhịp sống công nghiệp hiện đại như ngày nay thì việc tiếp cận thông tin của người dân được đáp ứng nhanh nhạy hơn, hiện đại hơn. Bây giờ, chỉ cần ngồi nhà là ai cũng có thể "lướt" web, đọc mọi thông tin mình cần. Muốn tìm hiểu về một truyện ngắn đang "hot" nhất ư? Cũng chỉ cần một cú "nhấp" chuột. Thuận tiện và nhanh chóng là vậy khiến việc tìm đến thư viện để đọc sách dần được loại bỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là việc tiếp cận thông tin của người dân đô thị. Còn ở những làng quê, về các thôn, xóm, nơi mà máy tính chỉ đếm trên đầu ngón tay, Internet vẫn còn là khái niệm xa lạ... thì nhu cầu đọc sách, báo vẫn hết sức cần thiết.
Trong quá trình đi tìm hiểu về hoạt động của hệ thống thư viện, điều mà chúng tôi thấy phấn khởi là vẫn còn rất nhiều người có tâm huyết với văn hóa đọc và đều mong muốn khơi dậy văn hóa đọc trong nhân dân thông qua việc làm của mình.
Góp phần khôi phục hoạt động của thư viện huyện, ông Bùi Xuân Thúy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gia Viễn luôn nung nấu kế hoạch đưa hoạt động của thư viện huyện đến với người dân các xã, thị trấn trong huyện, nhất là các địa phương vùng xa, khó khăn. Có nhiều dịp về các xã công tác, nhận thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân là rất lớn trong khi họ lại không có điều kiện để về huyện tìm đọc hay mượn sách. Với vai trò là lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, ông Thúy cùng những cán bộ của Trung tâm đang nung nấu kế hoạch sẽ đưa hoạt động của Thư viện huyện về các xã theo hình thức: cử cán bộ thư viện đưa sách về địa phương cho người dân mượn miễn phí. Sau một tuần phục vụ tại địa phương này sẽ chuyển sang địa phương khác phục vụ. Để làm được điều đó, không chỉ cần có thêm kinh phí hoạt động mà đòi hỏi người cán bộ phục vụ cho thư viện "di động" phải nhiệt tình, trách nhiệm cao. Dự kiến của Thư viện Gia Viễn là sẽ tiến hành làm điểm ở một địa phương, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra toàn huyện.
Về La Mai (Ninh Giang - Hoa Lư), những tưởng sẽ phải ra về "tay trắng" vì mục đích đến thăm và tìm hiểu về thư viện nổi tiếng một thời của làng không còn. Nhưng rồi chúng tôi lại được tiếp cận với một hình thức tìm hiểu thông tin của người dân xóm 2 tuy mới hình thành nhưng khá hiệu quả. Bác Phạm Thiên Thu, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi xóm 2 cho biết: Từ khi Nhà văn hóa xóm khánh thành và đi vào hoạt động tuy mới được vài tháng, nhưng hoạt động đọc sách, báo của người dân trong xóm khá sôi nổi, thường xuyên. Mỗi buổi chiều mát, người dân trong xóm, từ già đến trẻ đều có thói quen ra đọc sách, báo, trao đổi các thông tin trong báo để cùng bàn luận về các sự kiện. Để có nguồn sách, báo phục vụ nhu cầu đọc, gia đình nào trong xóm có sách, báo đều đưa ra Nhà văn hóa đóng góp. Có những hội viên chi hội người cao tuổi có điều kiện còn đặt mua một số tờ báo về phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Mặc dù mới xây dựng Nhà văn hóa, kinh phí còn eo hẹp nhưng trước nhu cầu đọc của người dân, xóm 2 phấn đấu sẽ đầu tư xây dựng tủ sách rồi dần tiến tới xây dựng thư viện của xóm với nhiều đầu sách phong phú, đủ các thể loại để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân. Xóm có hơn 300 hộ, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống chưa phải là khá giả, nhưng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân, Nhà văn hóa xóm được xây dựng mới với kinh phí gần 90 triệu đồng, thay thế cho nhà văn hóa cũ trước kia là hội trường của HTX đã dột nát, xuống cấp. Do đó, việc mua sắm thêm các trang thiết bị, tủ sách để phục vụ nhu cầu đọc của người dân là không khó. Đây là mô hình cần có sự quan tâm của Thư viện tỉnh, Thư viện huyện để thúc đẩy sự hình thành hoạt động của thư viện xóm trong một tương lai gần.
Vĩ thanh
Có một thực tế buồn là cùng với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các công trình thì hệ thống thư viện dần mai một mà nguyên nhân quan trọng chính là thiếu sự quan tâm, đầu tư của các địa phương khiến văn hóa đọc bị bỏ ngỏ. Trong tâm sự của nhiều cán bộ làm công tác văn hóa có tâm huyết với hoạt động của thư viện, họ luôn mong mỗi địa phương khi xây dựng quy hoạch, cần quan tâm đến quy hoạch của thư viện để không chỉ phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, mà đó là một cách để khơi dậy, duy trì và phát triển văn hóa đọc.
Kết thúc chuyến về La Mai, dường như cùng tâm trạng với những người làm công tác văn hóa, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã lặng lẽ về cơ quan, gom góp những tờ báo, tạp chí cũ, xếp cẩn thận vào một thùng cát tông rồi chở về xóm 2 (Ninh Giang) để gửi biếu cho Nhà văn hóa xóm. Xem đó là một cách ủng hộ cho việc làm của những người gắn bó và tâm huyết với văn hóa đọc.
Phan Hiếu