Để đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân và cổ vũ cho nền văn hóa đọc, Australia đã xây dựng và ngày càng củng cố hệ thống thư viện sao cho hệ thống này hoạt động một cách hiệu quả và toàn diện nhất với tinh thần “thư viện lớn lên cùng đất nước”.
Thư viện ở Australia được chia thành các cấp, gồm thư viện quốc gia, thư viện của các bang, thư viện công cộng tại mỗi vùng và thư viện tại các trường học. Đến nay, Australia đã sở hữu một hệ thống thư viện đáng ngưỡng mộ với các chức năng và hoạt động đa dạng.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Sydney, bà Laurence - làm việc tại thư viện Lionel Bowen, bang New South Wales cho biết thư viện đóng vai trò rất quan trọng ở Australia. Mỗi hội đồng thành phố hoặc khu vực đều có những thư viện của riêng họ. Các hoạt động chính của thư viện bao gồm cung cấp các sách, báo, tạp chí, tài liệu âm thanh, video, tài liệu số và không gian học tập, làm việc yên tĩnh với wifi miễn phí; hoặc tổ chức các chương trình và sự kiện gồm các lớp dạy tiếng Anh, dạy vẽ, các buổi nói chuyện, các hoạt động dành cho trẻ em, các chương trình văn hóa. Bên cạnh đó, thư viện còn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ những người nhập cư mới đến ổn định cuộc sống, cung cấp thông tin và hỗ trợ hòa nhập văn hóa. Những thư viện lớn hơn như thư viện quốc gia hoặc thư viện của các bang còn là những trung tâm lưu trữ kiến thức lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa và thông tin của quốc gia.
Hiện nay, nhiều thư viện công cộng ở Australia đang dần chuyển đổi thành các trung tâm đa năng. Ngoài việc là nơi lưu trữ, cung cấp sách báo, tài liệu, băng đĩa…, các thư viện ở nước này còn trở thành nơi gặp gỡ của các bà mẹ, trẻ em, thanh niên và người lớn tuổi, giúp kết nối mọi người, hỗ trợ cộng đồng và phát triển văn hóa, giáo dục.
Ông Murray, một tình nguyện viên tại thư viện Lionel Bowen, tự hào cho biết các thư viện cộng đồng ở Australia rất phát triển. Họ tổ chức nhiều chương trình, ví dụ như tổ chức các buổi hỗ trợ và tư vấn cho các bà mẹ trẻ để giúp họ chăm sóc con cái tốt hơn, hoặc các buổi đọc truyện cho trẻ em, đặc biệt là trong thời gian nghỉ học kỳ của các em. Nhiều gia đình đưa con em họ đến thư viện để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách và tình yêu dành cho sách, để cho trẻ thấy rằng sách có nhiều điều hay và những câu chuyện thú vị để đọc. Hầu như mọi thư viện đều được trang bị máy tính, các khu vui chơi, các giá đầy ắp sách gồm nhiều thể loại và ngôn ngữ. Có thể ví các thư viện này như những ngôi nhà thứ 2 của người dân Australia.
Nhiều thư viện, đặc biệt là ở các khu vực đa văn hóa, còn có các chương trình dành cho người nhập cư mới đến như giúp họ học tiếng Anh, giúp kết nối với cộng đồng và tìm hiểu về cuộc sống của người dân Australia. Bà Helen Warman - giáo viên dạy tiếng Anh tại thư viện Lionel Bowen, hào hứng chia sẻ với phóng viên TTXVN: “Chúng tôi tình nguyện đến các thư viện để dạy tiếng Anh cho những người nhập cư vốn không thông thạo tiếng Anh. Tôi thực sự yêu thích công việc này bởi tôi cho rằng đây là một việc làm rất hữu ích đối với cộng đồng. Các tình nguyện viên như tôi đến đây, dạy tiếng Anh một cách bài bản cho những mới đến Australia muốn cải thiện tiếng Anh của họ, hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện với họ, giúp họ kết nối với nhau, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng”.
Trong khi đó, chị Lidia, một người nhập cư đến từ Tây Ban Nha, không giấu sự phấn khởi khi thấy tiếng Anh của mình tiến bộ từng ngày và có thêm nhiều người bạn mới khi đến thư viện mỗi ngày. Trò chuyện với phóng viên TTXVN bằng tiếng Anh một cách khá rành rọt, chị Lidia nói: “Tham gia các lớp học ở thư viện là điều vô cùng hữu ích. Tôi đến từ Tây Ban Nha, tiếng Anh của tôi không tốt và tôi muốn tham gia những lớp học như thế này để cải thiện tiếng Anh của mình, giúp tôi có thể giao tiếp thuận lợi hơn với những người xung quanh và trở thành một phần của cộng đồng. Trong lúc học tiếng Anh ở thư viện, tôi đã làm quen với những người bạn mới. Thư viện không chỉ là nơi giúp chúng tôi cải thiện tiếng Anh, mà còn cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ, giao lưu và kết nối với những người bạn ở các nền văn hóa khác”.
Để duy trì và phát triển văn hóa đọc, nhiều sáng kiến đã được triển khai, ví dụ như các chương trình khuyến đọc trong trường học, các chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách. Bên cạnh hệ thống thư viện quốc gia và công cộng, các tủ sách từ thiện được đặt trên các đường phố, trước cổng trường học và hoạt động quyên góp sách cũng đóng vai trò quan trọng, tạo nên một mạng lưới chia sẻ tri thức cộng đồng rộng khắp Australia. Đây không chỉ là cách để tái sử dụng sách, mà còn là phương tiện để lan tỏa niềm vui đọc sách đến với mọi người.
Có thể nói, đối với người Australia, thư viện là một trong những nơi họ có thể thực sự là chính mình và cũng là một trong những không gian hòa nhập nhất của xã hội, nơi tất cả mọi người đều được chào đón, được hỗ trợ và khuyến khích để lan tỏa niềm đam mê đọc sách và trên hết là để gắn kết trong một cộng đồng đa văn hóa.