Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết, trước sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4-2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương ven biển sâu sát nắm bắt thông tin, báo cáo, tham mưu, đề xuất kịp thời, xử lý nhanh chóng các phần việc trong thẩm quyền để góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Sau gần hai năm xảy ra sự cố môi trường biển, đến thời điểm hiện tại, hoạt động khai thác hải sản biển, đặc biệt là vùng xa bờ đã ổn định và dần tăng về sản lượng. Lĩnh vực nuôi thủy sản đã khôi phục trở lại, tình hình tiêu thụ hải sản đã ổn định, người dân buôn bán bình thường như trước đây, tình hình an ninh trật tự được giữ vững. Tính đến tháng 3-2018, toàn tỉnh có hơn 46.200 đối tượng được chi trả bồi thường với tổng kinh phí hơn 980 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, bà con nhân dân cảm ơn sự vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương đã hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ người dân trong vùng ảnh hưởng sớm ổn định đời sống. Đồng chí Lê Trường Lưu cũng đã trình bày với Thủ tướng Chính phủ về những ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đến đời sống người dân thời gian quan, đề đạt các tâm tư, nguyện vọng lên Chính phủ nhằm đưa việc khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Ông Võ Quý, tổ dân phố Tân An, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết, sau khi nhận được tiền bồi thường, bà con đã dành phần lớn số tiền để mua sắm ngư lưới cụ, phương tiện tiếp tục vươn khơi, bám biển và cải tạo vùng nuôi thủy sản trên đầm phá; bà con cũng mong muốn Chính phủ quy hoạch vùng nuôi thủy sản vùng đầm phá và phục hồi sinh thái ở vùng Tam Giang - Cầu Hai; đầu tư nạo vét cửa biển Thuận An và có chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng và chứng kiến sự phấn khởi của người dân được đền bù thỏa đáng, sử dụng có hiệu quả nguồn tiền đền bù, hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ đã đi vào các hộ trực tiếp thiệt hại, giải quyết được đời sống trước mắt và hỗ trợ lâu dài cho bà con mua công cụ, phương tiện đánh bắt, nuôi thủy hải sản.
Thủ tướng đánh giá cao việc công khai, dân chủ, minh bạch, chính xác trong hỗ trợ, đền bù của tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó có sự giám sát của nhân dân, chính quyền, cấp ủy nên không có sự thắc mắc nào lớn và hạn chế thấp nhất khiếu nại, tố cáo. Vui mừng vì đời sống của nhân dân tốt hơn, thương yêu nhau, đoàn kết hơn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và huyện Phú Vang nói riêng đã làm tốt công tác đền bù, hỗ trợ người dân sau sự cố môi trường biển.
Đề cập đến việc phục hồi hệ hệ sinh thái, đến nghề nghiệp của bà con sau khi khắc phục sự cố môi trường biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần quy hoạch phá Tam Giang- Cầu Hai để vừa phát triển du lịch vừa nuôi thủy hải sản. Thủ tướng đã giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế làm tốt hơn công tác trên và yêu cầu tỉnh cần quan tâm đến đào tạo nghề cho bà con ngư dân ven biển với phương châm đa nghề, đa lĩnh vực, cơ cấu lại lao động hợp lý, không chỉ có thủy sản mà cần kết hợp với du lịch, dịch vụ.
Thủ tướng cũng ghi nhận và thống nhất một số đề xuất của tỉnh, và khẳng định Chính phủ sẽ dành nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh sớm khắc phục sự cố, giúp ngư dân khôi phục sản xuất bền vững; trong đó chú trọng đến việc khôi phục âu thuyền, hậu cần nghề cá...
Nguồn: CÔNG HẬU/nhandan.com.vn