Tiếp và làm việc với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí: Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy đã báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình năm 2011, phương hướng nhiệm vụ năm 2012 và các năm tiếp theo. Theo đó, năm 2011, kinh tế của Ninh Bình tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 3 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,86%. Văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng; chính quyền các cấp được kiện toàn ngày càng vững mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.
Năm 2012, tỉnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 14% gắn với phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch; tập trung xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp...
Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương phát biểu, nêu rõ tính cấp thiết của việc bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và việc triển khai thực hiện một số dự án trên địa bàn theo đề xuất, kiến nghị của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương và đánh giá cao bước phát triển nhanh và khá toàn diện của Ninh Bình trên tất cả các lĩnh vực sau 20 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là trong giai đoạn 2006-2011. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những thành tựu mà Ninh Bình đạt được đã góp phần rất lớn vào thành tựu phát triển chung của đất nước, đồng thời tạo tiền đề cho tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tập trung sức cho xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư..., Ninh Bình cần phải chủ động trong phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển bứt phá. Đồng thời phải đặc biệt quan tâm đến quy hoạch. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ khẳng định, quy hoạch mà không đi trước, không khoa học thì không chỉ ra được lợi thế, không chỉ ra được hướng phát triển. Do đó, tỉnh phải hết sức quan tâm rà soát, bổ sung, cập nhập, hoàn thiện quy hoạch nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong quy hoạch, tỉnh phải chú trọng quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng lưu ý, vấn đề đặt ra đối với Ninh Bình trong thời gian tới là phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; trong thu hút đầu tư cần lựa chọn kỹ lưỡng, không thu hút tràn lan; cân nhắc tổng thể các yếu tố nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Thủ tướng nêu rõ tỉnh cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Về quy hoạch vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, Thủ tướng yêu cầu tỉnh xây dựng quy hoạch, có cơ chế thu hút nguồn lực của doanh nghiệp để đầu tư vào vùng kinh tế ven biển này. Về xây dựng âu Kim Đài (huyện Kim Sơn) để giải quyết nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu và phục vụ sản xuất, đồng chí Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, triển khai thực hiện dự án từ nguồn vốn ODA. Về dự án xây dựng đường Bái Đính - Ba Sao - Hà Nội, Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải và các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, thành phố Hà Nội bàn và thống nhất đầu tư theo hình thức BT hoặc BOT. Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và đầu tư đúng mức để quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thiên nhiên, văn hóa đặc biệt của Quốc gia và thế giới. Về việc mở rộng quy hoạch Dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với tỉnh nghiên cứu xây dựng quy hoạch, thu hút các nguồn lực để thực hiện dự án. Một số đề xuất, kiến nghị khác của tỉnh, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo với Chính phủ để giải quyết.
Ngọc Minh