Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp Nhà nước
Thứ Năm, 24/03/2022, 03:05
Zalo
Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội". Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp Nhà nước
Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan và 63 địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo một số sở ngành và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị cho biết: Đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể.
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã chiếm khoảng 7% tổng tài sản, 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh.
Xét về hiệu quả sản xuất, kinh doanh: Doanh thu của khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân là 3%); lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân là 1%). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%, trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước 1,26%.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước. Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng.
DNNN có vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông. Đồng thời DNNN cũng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích… Ngoài ra, việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; tạo cơ hội kinh doanh cho các thành phần kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, thực tế khu vực DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình. Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo chưa cao; việc thực hiện tái cơ cấu còn mang tính hình thức.
Tại tỉnh Ninh Bình, hiện nay có 6 doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lý, trong đó có 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và 3 doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước. Theo đánh giá, hàng năm, hầu hết các doanh nghiệp đều kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
Riêng Công ty cổ phần Nước sạch và vệ sinh nông thôn hàng năm kinh doanh lỗ, số lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6/2021 là hơn 146 tỷ đồng. Về việc thực hiện cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN: Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trên cơ sở phương án cơ cấu lại đã được UBND tỉnh phê duyệt các doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa theo quy định, dự kiến hoàn tất vào quý I/2023; đối với 3 doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước, tỉnh đang đề nghị thay đổi phương án từ thoái hết 100% sang tiếp tục duy trì một phần vốn Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực DNNN và các tồn tại, hạn chế trong doanh nghiệp… Từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định 35 năm đổi mới, DNNN đã đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong các lĩnh vực an sinh xã hội, nhân đạo, ở các vùng vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, các lĩnh vực trọng yếu như an ninh quốc phòng… Đảng và Nhà nước chia sẻ với những khó khăn của DNNN do khách quan gây ra. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn có những nguyên nhân chủ quan khiến DNNN vẫn chưa phát triển xứng đáng với nguồn lực đang nắm giữ.
Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, vì vậy, DNNN phải tiếp tục đoàn kết, nhạy bén, linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế nhằm góp phần quan trọng vào xây dựng thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đặc biệt, phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ; tiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần, vật chất của người lao động.
Thủ tướng đề nghị, DNNN phải tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được để tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững, một số doanh nghiệp phải tạo ra đột phá để phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước. Phải tiếp tục chung tay xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, môi trường lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, nhân văn, không tham nhũng tiêu cực, phù hợp với nền kinh tế thị trường và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của DNNN.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ về thể chế, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để nâng cao trách nhiệm, tính tự chủ, tự lực, tự cường của doanh nghiệp. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể, quan trọng trên các lĩnh vực gắn với trách nhiệmđể huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước, như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của Quốc gia...
Đặc biệt, việc xây dựng bộ máy, bố trí cán bộ phải phù hợp với điều kiện, phát huy tối đa nguồn lực sẵn có để phát triển. Mặt khác phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong doanh nghiệp. Làm tốt công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu sau hội nghị trực tuyến.
Phát biểu ngay sau hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đề nghị, trong thời gian tới, Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết tỉnh tiếp tục nghiên cứu cơ cấu lại bộ máy nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh - Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, cần tính toán phương án đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, khả năng quản lý tài sản công, duy tu, bảo dưỡng, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ tưới tiêu cấp nước phục vụ cho sản xuất cho nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng thời đảm bảo việc bảo toàn vốn nhà nước.
Với Công ty TNHH MTV Bình Minh tính toán thoái vốn, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Đối với Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình và Môi trường đô thị thành phố Tam Điệp cần thống nhất cơ chế hoạt động, giao nhiệm vụ, xây dựng định mức khoán hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước; đầu tư, tăng cường áp dụng công nghệ trong hoạt động, tạo cảnh quan, môi trường trong lành cho nhân dân, nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên.