Ông Lê Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình cho biết: Trước tác động của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và một số quy định mới của Trung Quốc trong hoạt động thương mại biên giới khiến hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu gặp nhiều khó khăn; một số loại hàng hóa sản xuất trong nước đã phải tạm dừng xuất khẩu.
Mặt hàng nhập khẩu trọng yếu của tỉnh là linh kiện lắp ráp ô tô đã có sự sụt giảm rõ rệt trong các tháng đầu năm 2021 (giảm 20%), do hạn chế của nguồn vật tư, linh kiện đầu vào từ thị trường các nước có dịch COVID-19 bùng phát mạnh là Ấn Độ, Hàn Quốc và thị trường trong nước cũng giảm do nhu cầu mua sắm tập trung vào cuối năm, dẫn đến lượng hàng hóa tồn kho khá lớn.
Ngoài ra, ngành hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhất là sản xuất linh kiện điện tử, giầy da và may mặc có kim ngạch, sản lượng giảm sút rõ rệt. Đặc biệt trong tháng 7 vừa qua, dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, một số địa phương phải dùng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sản xuất công nghiệp vì thế có dấu hiệu khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn.
Những khó khăn trên thể hiện rất rõ qua số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Theo báo cáo của các ngành chức năng, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2021 đạt 202,4 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng trước, nhưng đã giảm 12,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 237,3 triệu USD, giảm 38,1% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đầu năm, đạt 1.673,9 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; tập trung vào các nhóm mặt hàng như: linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, vải và phụ liệu may mặc, phụ liệu sản xuất giày dép…. Điều đó đã tác động không nhỏ đến công tác thu thuế xuất nhập khẩu của ngành Hải quan.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã chỉ đạo Chi cục Hải quan Ninh Bình triển khai quyết liệt các biện pháp để đẩy mạnh hoạt động thông quan hàng hóa. Với phương châm "đồng hành với doanh nghiệp vượt khó", cán bộ Hải quan đã trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thủ tục hải quan, nhanh chóng xử lý vướng mắc, không để doanh nghiệp phải chịu thêm bất cứ chi phí nào phát sinh trong quá trình làm thủ tục. Chính điều này đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa, qua đó, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp thực hiện XNK hàng hóa qua Chi cục Hải quan Ninh Bình.
Đồng thời, Chi cục Hải quan tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai một số biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK trao đổi hàng hóa; thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác quản lý và chống thất thu thuế…
Cùng với ngành Hải quan, các sở, ngành và các lực lượng khác, nhất là Sở Công thương, Ban quản lý các KCN của tỉnh cũng đã triển khai quyết liệt, linh hoạt các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động XNK hàng hóa. Vì vậy, số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng. Tổng thu thuế xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 3.943,97 tỷ đồng, đạt 59,4% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả thu thuế XNK đã thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng của tỉnh trong việc thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước qua hoạt động XNK hàng hóa.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành Công thương sẽ nắm bắt tình hình hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh kịp thời đưa ra những biện pháp trong từng tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, Sở cũng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan.
Còn đối với ngành Hải quan, ông Lê Thanh Hải cho biết: Ngành tiếp tục quán triệt cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương, tạo thuận lợi nhất để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng đúng quy định.
Cùng với đó, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp thu hồi thuế nợ đọng như tuyên truyền, vận động doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thuế; triển khai các giải pháp quản lý và xử lý nợ theo quy trình quản lý nợ.
Trên cơ sở chỉ tiêu thu hồi nợ thuế Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã giao, Chi cục sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch đôn đốc thuế, duy trì tổ đôn đốc thu hồi nợ thuế; rà soát, phân loại các doanh nghiệp nợ thuế để công tác thu hồi nợ có hiệu quả.
Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại để thống nhất các giải pháp trao đổi thông tin, đầu tư hạ tầng thanh toán điện tử hỗ trợ quản lý thu thuế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong nộp thuế.
Bài, ảnh: Hồng Giang