Nhiều nguồn thu nội địa hoàn thành vượt dự toán và có tỷ lệ tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: Thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 115% dự toán, tăng 65% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 123% dự toán, tăng 38%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 131% dự toán, tăng 13%; thu tiền thuê mặt đất, mặt nước đạt 220% dự toán, tăng 7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 103% dự toán, tăng 16%; thu phí, lệ phí đạt 106% dự toán, tăng 11%; thu khác ngân sách đạt 154% dự toán, tăng 56%.
Có 3 huyện, thành phố đã hoàn thành cả 2 chỉ tiêu là thu thuế, phí, lệ phí và thu tiền sử dụng đất theo dự toán HĐND tỉnh giao và có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: Thành phố Ninh Bình, huyện Nho Quan, Yên Mô. Cụ thể: thành phố Ninh Bình tổng thu được trên 971 tỷ đồng, đạt 124% dự toán, tăng 44% so với cùng kỳ; trong đó thu thuế, phí, lệ phí được trên 547 tỷ đồng, đạt 127% dự toán, tăng 16%; tiền sử dụng đất được trên 424 tỷ đồng, đạt 121% dự toán, tăng 109% so với cùng kỳ.
Huyện Nho Quan tổng thu được trên 160 tỷ đồng, đạt 154% dự toán, tăng 44% so với cùng kỳ; trong đó: thu thuế, phí, lệ phí được trên 77 tỷ đồng, đạt 104% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất được trên 83 tỷ đồng, đạt 227% dự toán, tăng 118% so với cùng kỳ.
Huyện Yên Mô tổng thu được trên 134 tỷ đồng, đạt 206% dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ; trong đó thu thuế, phí, lệ phí được trên 56,7 tỷ đồng, đạt 142% dự toán, tăng 36% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất được trên 77,6 tỷ đồng, đạt 310% dự toán, tăng 5% so với cùng kỳ.
Cơ quan Cục Thuế tỉnh đảm nhiệm số thu thuế, phí lớn, với dự toán giao là 3.514 tỷ đồng, 11 tháng qua đã thu được trên 3.905 tỷ đồng, đạt 110% dự toán, tăng 59% so với cùng kỳ. Tuy vậy, đến nay toàn ngành mới thu đạt 93,5% chỉ tiêu phấn đấu tỉnh giao. Với mục tiêu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018, cán bộ, công chức, người lao động ngành Thuế Ninh Bình đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.
Đó là: Tập trung cao nhất cho nhiệm vụ thu ngân sách. Toàn ngành đang nỗ lực cao cho chặng "về đích"; khai thác triệt để các nguồn thu, thu sát doanh số phát sinh, hoàn thành cao nhất chỉ tiêu phấn đấu tỉnh giao.
Các đơn vị thực hiện đúng theo chức năng nhiệm vụ và tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, của Cục Thuế tỉnh về việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, nâng cao chất lượng kiểm soát hồ sơ hoàn thuế, số thuế khấu trừ, miễn, giảm. Giám sát chặt chẽ các đơn vị khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, các đơn vị có hoạt động xây dựng cơ bản đang thực hiện dự án, đảm bảo kê khai kịp thời thuế GTGT phát sinh nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
Nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình kê khai thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp; gắn công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế với kiểm tra việc thông báo quản lý phát hành và sử dụng hóa đơn của người nộp thuế để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, gian lận, khai sai thuế, thiếu thuế... Lập danh sách doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế phải chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan Thuế. Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước phản ánh kịp thời các nguồn thu vào NSNN.
Đẩy mạnh công tác quản lý và thu nợ thuế: Tiếp tục đôn đốc người nộp thuế nộp số thuế còn nợ vào ngân sách Nhà nước. Thực hiện quyết liệt các biện pháp cưỡng chế nợ: phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban quản lý dự án, Kho bạc, Ngân hàng, các đơn vị có liên quan và UBND các phường, xã, thị trấn thu tiền nợ thuế thông qua giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Phối hợp với đoàn chống thất thu các huyện, thành phố đôn đốc thu nợ đạt hiệu quả cao.
Tiếp tục đôn đốc, lựa chọn để áp dụng các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với những doanh nghiệp có số tiền thuế nợ trên 90 ngày theo đúng hướng dẫn của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn về cưỡng chế nợ thuế. Tiếp tục công khai số nộp, số nợ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ cố tình chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đẩy mạnh công tác theo dõi, hướng dẫn tình hình áp dụng phần mềm TMS tại Chi cục Thuế các huyện, thành phố. Từng cán bộ được phân công tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, hướng dẫn công tác quản lý nợ của các Chi cục Thuế. Phấn đấu đến 31/12/2018, tỷ lệ tổng số nợ thuế có khả năng thu trên tổng số thu năm 2018 do ngành Thuế quản lý không vượt quá 5%.
Để công tác thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, đúng quy trình, các đơn vị cần nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 của Bộ Tài chính; Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 3/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình; Công văn số 4080/TCT-QLN ngày 19/10/2018 của Tổng cục Thuế và Công văn số 3261/CT- QLN ngày 17/10/2018 của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình… Chi cục Thuế các huyện, thành phố cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc thu hồi nợ thuế.
Về công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm tra nội bộ: Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách ở tất cả các thành phần kinh tế, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Tổng cục Thuế giao và đạt mức tối thiểu số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế vào diện thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Thực hiện tuân thủ đúng quy trình Thanh tra thuế; tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra nội bộ, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Tổng cục Thuế về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu đạt đỉnh cao mới trong công tác thu ngân sách năm 2018.
Mạnh Huy