P.V: Năm 2017 Ninh Bình tiếp tục "xác lập kỷ lục" mới về thu ngân sách. Đồng chí có thể cho biết những kết quả cụ thể? Đ/c Đinh Nam Thắng: Năm 2017, kinh tế của tỉnh có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng đạt khá; cả 3 khu vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có tăng trưởng, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn chiếm cơ cấu lớn, quyết định đến kết quả thu ngân sách.
Đối với ngành Thuế, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Tổng cục Thuế, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy và chính quyền địa phương các huyện, thành phố, các ngành chức năng có liên quan đối với công tác thuế, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, từ đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp người nộp thuế hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời đóng góp tích cực cho ngân sách.
Năm 2017, ngành Thuế Ninh Bình một lần nữa tạo lập mốc son mới về thu ngân sách với số thu ước đạt 8.745 tỷ đồng, vượt 46,1% dự toán, tăng 20,4% so với năm 2016. Trong đó, riêng số thu từ nội địa do ngành Thuế quản lý đạt được 6.078 tỷ đồng, vượt 38,1% dự toán và tăng 10,7% so với năm 2016.
Tất cả các đơn vị thu đều hoàn thành vượt dự toán thu thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách. Nhiều đơn vị vượt cao so với dự toán HĐND tỉnh giao như: huyện Yên Mô vượt 113,3%, huyện Kim Sơn vượt 127%, thành phố Ninh Bình vượt 53,1%…
Kết quả này đã đóng góp quan trọng vào thành công chung trong công tác quản lý ngân sách Nhà nước của tỉnh nhà, tiếp tục phát huy truyền thống thu ngân sách vượt dự toán hàng năm và tạo mốc son mới trong công tác thu ngân sách của ngành Thuế Ninh Bình.
P.V: Thưa đồng chí, để đạt được kết quả trên ngành Thuế đã triển khai những giải pháp cơ bản nào?
Đ/c Đinh Nam Thắng: Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị được giao, Cục Thuế Ninh Bình đã triển khai đồng bộ những giải pháp, theo đó ngành Thuế tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, triển khai quyết liệt các giải pháp:
Tập trung cao nhất cho nhiệm vụ thu ngân sách, toàn ngành nỗ lực khai thác triệt để các nguồn thu. Đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo phương thức hiện đại, đảm bảo hình thức đa dạng; tập trung tuyên truyền một số chính sách thuế mới bắt đầu thực hiện từ 1/1/2017 (như: lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ…) với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người nộp thuế để giải đáp những khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả.
Tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước để có biện pháp đôn đốc thu nộp kịp thời. Thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách ở tất cả các thành phần kinh tế, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Tổng cục Thuế giao. Đẩy mạnh đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Thực hiện rà soát, phân loại nợ; giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu đảm bảo giảm số nợ thuế theo tiêu chí xây dựng của Tổng cục Thuế (dưới 5% tổng số thu).
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai cụ thể việc giao dự toán năm 2017 cho các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và UBND tỉnh. Phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu được giao.
Thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế - xã hội và những nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND tỉnh nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất phục vụ người nộp thuế.
Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 và lộ trình cải cách 2016-2020 theo đúng kế hoạch và chương trình; chủ động phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tìm tiếng nói chung về thủ tục hành chính liên quan phục vụ người nộp thuế.
Tổ chức thực hiện tốt các nội dung về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý thuế như: Kê khai qua mạng, hoàn thuế, nộp thuế điện tử; ứng dụng, trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, Kế hoạch đầu tư, cơ quan Tài nguyên môi trường...
Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện, uốn nắn sai sót và phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, các sáng tạo của cán bộ, công chức cơ sở để nhân rộng, phổ biến trong toàn ngành...
P.V: Năm 2018 là năm quan trọng với nhiều chính sách thuế sẽ có sự thay đổi. Đồng chí có thể cho biết một số nhiệm vụ ngành Thuế sẽ tập trung trong năm 2018?
Đ/c Đinh Nam Thắng: Năm 2018, dự báo tình hình kinh tế sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách.
Cũng trong năm 2018, một số chính sách tài chính, thuế thay đổi và có hiệu lực, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, sản xuất, lắp ráp và tiêu thụ ô tô, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, tài nguyên khoáng sản... điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho ngân sách của người nộp thuế.
Phát huy bài học kinh nghiệm trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò tham mưu đề xuất, toàn ngành Thuế đặt quyết tâm mới trong công tác thu và chỉ đạo thu, phải thực hiện quản lý nguồn thu theo từng lĩnh vực, từng địa bàn, từng sắc thuế, từng người nộp thuế trên cơ sở nắm chắc trạng thái hoạt động sản xuất.
Ngành Thuế cũng sẽ tập trung khai thác nguồn thu còn tiềm năng tại các khu vực kinh tế. Tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế phát sinh, từ đó khai thông các khoản thu. Tăng cường các biện pháp quản lý nợ thuế, chống thất thu ngân sách. Khai thác tốt nguồn lực các khoản thu từ đất, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý. Tập trung hiện đại hóa quản lý thuế, thực hiện thành thạo ứng dụng quản lý thuế, đẩy mạnh vận động và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khai thuế và nộp thuế điện tử, cải cách hành chính thuế theo đúng lộ trình Tổng cục Thuế đề ra.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)