Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, thu ngân sách Nhà nước quý I trên địa bàn đạt kết quả khả quan cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Mặc dù so với dự toán HĐND giao thì tổng thu ngân sách chỉ đạt 1.083,4 tỷ đồng, đạt 22,6% dự toán HĐND tỉnh giao. Tuy nhiên mức thu này đã tăng 75,3% so với cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách đạt 761,6 tỷ đồng, đạt 30% dự toán, tăng 77% so với cùng kỳ.
Một số khoản thu có mức tăng trưởng cao như: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 26% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ; doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 22% dự toán, tăng 11%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 26% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 34% dự toán, tăng 26%; thuế thu nhập cá nhân đạt 28% dự toán, tăng 21%; thuế bảo vệ môi trường đạt 37%, tăng 430%.
Đặc biệt khoản thu từ thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh hầu hết quý I qua các năm đều đạt thấp, không đảm bảo tiến độ thu, nhưng quý I năm 2016 đã thu được 436,6 tỷ đồng, đạt 31% dự toán, tăng 128% so với cùng kỳ.
Trong quý I đã có nhiều đơn vị có số thu đạt khá cao so với dự toán được giao là huyện Yên Mô đạt 53,6%, huyện Hoa Lư đạt 46%, huyện Yên Khánh đạt 32,2%, Văn phòng Cục Thuế đạt 31,7%...
Đánh giá về kết quả thu ngân sách, ông Hà Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng: Công tác thu ngân sách thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, có nhiều giải pháp điều hành quyết liệt, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Các cấp, các ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã phối hợp tốt trong việc chỉ đạo, điều hành công tác thuế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, năng động, sáng tạo, duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế.
Ngay từ những ngày đầu năm, ngành Thuế đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quản lý nhằm thực hiện tốt Luật Quản lý thuế và các Luật Thuế sửa đổi bổ sung; chú trọng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật thuế, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp triển khai quyết liệt đề án "Tăng cường công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình". Đồng thời, khai thác triệt để mọi nguồn thu, chống thất thu ngân sách có hiệu quả…
Bên cạnh kết quả đã đạt được trong 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ thu ngân sách 9 tháng còn lại của năm toàn tỉnh phấn đấu thu đạt 3.154 tỷ đồng, trong đó thu thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách là 1.820 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất là 1.335 tỷ đồng.
Theo ông Hà Văn Hiếu, nhiệm vụ thu ngân sách 9 tháng cuối năm là hết sức nặng nề do nền kinh tế phục hồi còn chậm, trên địa bàn tỉnh không còn dự án đầu tư trọng điểm mới, Chính phủ ban hành nhiều điểm mới ưu đãi chính sách thuế cho các doanh nghiệp… nên nguồn thu sẽ bị hạn chế.
Thực tế cũng cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, tổng cầu trên thị trường còn thấp dẫn đến nhiều doanh nghiệp đang hoạt động phải thu hẹp và tạm ngừng trong thời gian dài. Việc khó khăn về nguồn vốn và thị trường khiến cho nhiều nhà đầu tư chưa mạnh dạn mở rộng và đầu tư dự án mới đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người lao động và nhu cầu mua sắm đã giảm sút, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, thu từ thuế, phí, lệ phí có liên quan.
Hiện tại, các ngành sản xuất có nguồn thu ổn định trong tỉnh gặp khó khăn như sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp ô tô, hàng thủ công mỹ nghệ… Đối với ngành sản xuất xi măng việc tiêu thụ nội địa gặp khó khăn, các doanh nghiệp phải xuất khẩu ra thị trường nước ngoài nên thuế suất GTGT là 0% nên thu từ sản xuất xi măng không tăng trưởng mà còn bị giảm sút.
Để đáp ứng nhu cầu của tiến trình hội nhập và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Thuế, mở rộng đối tượng được ưu đãi chịu thuế TNDN, giảm thuế suất, thuế TNDN, bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT… điều đó cũng làm giảm nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, chính sách siết chặt việc chi hoàn thuế đối với các cơ sở kinh doanh thương mại có hoạt động xuất khẩu, ưu tiên hoàn thuế đối với các dự án đầu tư trọng điểm của Quốc gia và dự án đầu tư mới quan trọng trên địa bàn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn.
Trước những khó khăn trên, ngành Thuế xác định sẽ bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong công tác quản lý nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung vào các dự án lớn, có ưu thế về tăng trưởng kinh tế và nguồn thu lâu dài cho ngân sách.
Đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp mà ngành đề ra như cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử; áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng nợ đọng thuế.
Nguyễn Thơm