Giai đoạn 2016-2020, Ninh Bình tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác thu ngân sách Nhà nước với sự bứt phá đầy ấn tượng. Qua từng năm, số thu ngày càng tăng và liên tục xác lập đỉnh cao mới. Điều đó đã khẳng định hướng phát triển kinh tế đúng đắn của tỉnh, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tạo sự phát triển vững chắc.
Thu ngân sách liên tục xác lập đỉnh cao mới
Theo thông tin từ ngành chức năng, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước, trong đó thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất) đạt 29.423 tỷ đồng, gấp 2,7 lần, tốc độ tăng bình quân 18%/năm; thu tiền sử dụng đất 10.452 tỷ đồng, gấp 2,9 lần; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 18.966 tỷ đồng, gấp 8,8 lần.
Thu ngân sách Nhà nước hằng năm đều đạt và vượt dự toán, quy mô thu ngân sách ngày càng tăng. Nếu như năm 2016 tổng thu ngân sách đạt 7.100 tỷ đồng thì đến năm 2019 tổng thu ngân sách đã đạt 16.519 tỷ đồng (gấp 2,75 lần so với mục tiêu Đại hội).
Năm 2020, tình hình kinh tế nói chung và công tác thu ngân sách nói riêng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng tỉnh Ninh Bình quyết tâm hoàn thành vượt dự toán HĐND tỉnh giao 14.450 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn thu đã có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí. Dự kiến năm 2020, thu từ thuế, phí, lệ phí (gồm cả xổ số kiến thiết) tăng hơn 1,94 lần; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu gấp 2 lần so với năm 2016.
Để hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó huy động nguồn lực ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Công tác xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và xúc tiến đầu tư được tăng cường.
Tỉnh đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư vào 5/7 khu công nghiệp trong quy hoạch; thành lập thêm 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích 371,36 ha, nâng tổng số cụm công nghiệp toàn tỉnh lên 17 cụm, với diện tích 602,81 ha. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh tăng mạnh.
Trong 5 năm có 3.230 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 130 dự án với số vốn đăng ký đạt 19.300 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào sản xuất, kinh doanh tạo sản phẩm mới, góp phần quan trọng tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đóng góp ngân sách cho Nhà nước.
Dây chuyền lắp ráp ô tô của Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công (KCN Gián Khẩu).
Cùng với thúc đẩy phát triển sản xuất, hàng năm, UBND tỉnh luôn chỉ đạo sát sao, kịp thời các cơ quan chuyên môn là Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Hà Nam Ninh thường xuyên rà soát, đánh giá nguồn thu, tăng cường quản lý, chống thất thu ngân sách.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, qua đó kích thích, nuôi dưỡng nguồn thu.
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm nền kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Hà Nam Ninh chủ động nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là các chính sách hỗ trợ về thuế, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Ông Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Hằng năm, trên cơ sở dự toán HĐND tỉnh giao và định hướng, chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách.
Trong đó, ngành Thuế nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai, khai thiếu số thuế phải nộp.
Ngành cũng tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh.
Cải cách hành chính, triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế thông qua việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế. Riêng trong năm 2020, Cục Thuế tỉnh đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế thu nhập cá nhân, Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020...
Ngành Thuế Ninh Bình cũng đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chỉ thị để tăng cường công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh như: Đề án tăng cường quản lý, chống thất thu thuế trên lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên khoáng sản; Đề án tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng...
Đối với hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu, việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh năm 2016 tại Ninh Bình đã đặt dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động xuất nhập khẩu và nộp ngân sách Nhà nước.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nam Ninh, đơn vị đã tập trung triển khai các kế hoạch về cải cách hành chính, hiện đại hóa thủ tục hải quan, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia… giúp các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi hơn trong hoạt động thông quan hàng hóa.
Ngoài ra, Cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như: Thuế, Kho bạc, Ngân hàng nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn.