Cụ thể, thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách đạt 1.428 tỷ đồng, đạt 55% dự toán, đạt 48% dự toán phấn đấu, tăng 26% so với cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất được 167 tỷ đồng, đạt 12% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
Có 10/14 khoản thu đạt tiến độ so với dự toán, trong đó có nhiều khoản thu có tiến độ khá và tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được 42,4 tỷ đồng, đạt 77% dự toán, tăng 46% so với cùng kỳ; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước được 36,7 tỷ đồng, đạt 92% dự toán, tăng 24%; thuế bảo vệ môi trường được 217 tỷ đồng, đạt 72% dự toán, tăng 246% so với cùng kỳ; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh là nguồn thu chiếm tỷ trọng cao trong tổng số thu 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu được 721 tỷ đồng, đạt 51% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ.
Nhiều đơn vị có tiến độ thu đạt khá là: Thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Hoa Lư, huyện Nho Quan, huyện Yên Mô.
Mặc dù số thu ngân sách thực hiện so với cùng kỳ tăng trưởng khá nhưng so với dự toán phấn đấu tỉnh giao vẫn còn đạt thấp (6 tháng mới đạt 36%).
Cục Thuế tỉnh xác định, khó khăn, thách thức đối với công tác huy động nguồn lực còn lại là rất lớn, số còn phải thu theo dự toán là 2.391 tỷ đồng; trong đó thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách: 1.153 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất: 1.238 tỷ đồng.
Do vậy, đòi hỏi cơ quan thuế các cấp phải tập trung theo dõi sát tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý thuế hàng tháng, từ đó đề ra các biện pháp, cách làm cụ thể, hữu hiệu. Lấy việc khơi thông nguồn thu, chủ động phát hiện, đề xuất, kiến nghị giải quyết mọi vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách làm nền tảng.
Cục Thuế yêu cầu toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quản lý đăng ký, kê khai thuế; rà soát đôn đốc nộp tờ khai và kiểm tra, xác định số thuế phát sinh đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách.
Các phòng chức năng, các Chi cục Thuế tiến hành rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân tích cụ thể từng khoản nợ, thường xuyên đối chiếu để phân loại nợ, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp quản lý, phối hợp với các đoàn liên ngành thu nợ dứt điểm.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác đôn đốc chấp hành nộp số tiền thuế truy thu và phạt kịp thời vào ngân sách Nhà nước; triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Theo đó, cơ quan Thuế chú trọng kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, nhất là các doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp có số hoàn thuế lớn, doanh nghiệp có hoạt động liên kết có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp chuyển nhượng dự án và một số tổng công ty, tập đoàn có số thuế nộp ngân sách lớn.
Riêng với mục tiêu đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý, Cục Thuế Ninh Bình yêu cầu tiếp tục rà soát các quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế.
Phấn đấu vận động 100% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế qua mạng và 98% doanh nghiệp này nộp thuế điện tử về cả 3 tiêu chí (số doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử; số chứng từ nộp thuế; số tiền thuế thu được).
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền - hỗ trợ hướng dẫn chính sách thuế bằng nhiều hình thức để người nộp thuế nắm rõ các quy định về thuế, tự giác thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước n
Mạnh Huy