"Khát" lao động chất lượng cao
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là nơi phản ánh rõ nét nhất xu thế lao động của thị trường hiện nay. Theo lãnh đạo Trung tâm, mỗi năm, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm hàng chục nghìn lao động, trong đó, nhu cầu về nguồn lao động đã qua đào tạo tăng dần qua mỗi năm. Tính riêng 6 tháng đầu năm, trong tổng số trên 40 nghìn chỉ tiêu tuyển đụng đăng ký qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì con số tuyển dụng được mới chỉ hơn một nghìn vị trí việc làm. Một phần nguyên nhân là do cơ cấu cung - cầu của thị trường lao động còn bất hợp lý thì một phần không nhỏ đó là lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Công ty Cơ khí Nam Thành (KCN Gián Khẩu) chuyên sản xuất con lăn băng tải sử dụng trong công nghiệp và hàn đắp phục hồi con lăn bàn nghiền cho các nhà máy sản xuất xi măng. Đại diện Công ty cho biết, mỗi năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển bổ sung hàng chục lao động có kỹ thuật về hàn, tiện và gia công cắt gọt. Để có đủ số lao động, doanh nghiệp phải thường xuyên đăng ký tuyển lao động thông qua mạng, sàn giao dịch việc làm để tuyển dụng, nhưng cũng rất khan hiếm.
Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long cũng là một trong những đơn vị thường xuyên gửi chỉ tiêu tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Đại diện Công ty cho biết, Công ty có nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật điện. Đại diện công ty đã đến tận Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tuyển dụng nhưng cũng không tìm được lao động phù hợp. Người lao động đến phiên giao dịch việc làm rất đông nhưng đa số hỏi về các vị trí gián tiếp như văn phòng, kế toán, hoặc là lao động phổ thông… những vị trí này thì Công ty lại không có nhu cầu. Còn công ty Hon da Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng 300 lao động làm việc tại nhà máy; trong đó, ưu tiên những lao động có nghề liên quan như cơ khí, điện tử, điện. Đại diện Công ty cho biết, trong các phiên giao dịch việc làm mà đơn vị tham gia, nếu phỏng vấn đáp ứng yêu cầu, đơn vị sẽ tuyển dụng ngay, nhưng lượng lao động đến ứng tuyển thì vẫn rất ít.
Huyện Gia Viễn là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển sôi động bậc nhất của tỉnh. Hiện nay toàn huyện có khoảng 17 nghìn lao động đang làm việc tại các công ty trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động vẫn còn có quá nhiều việc phải làm. Thực tế cho thấy, lao động của huyện chủ yếu là lao động phổ thông, chưa có nhiều lao động tay nghề cao, đảm nhận được các vị trí việc làm quan trọng trong doanh nghiệp. Đặc biệt, thời gian tới, khi các KCN, CCN sẽ được lấp đầy theo lộ trình và lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế trong thu hút đầu tư nữa. Vì vậy, mục tiêu quan trọng mà huyện Gia Viễn đặt ra cho giai đoạn mới này là tăng dần tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đưa được lực lượng lao động có chất lượng vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 5 Khu Công nghiệp, 11 CCN với hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Dự báo từ ngành chức năng, nhu cầu về nguồn lao động tay nghề cao sẽ tăng lên đáng kể, khi lộ trình đến năm 2025, sẽ có thêm 14 CCN đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong giai đoạn mới này, tỉnh ta sẽ ưu tiên khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sử dụng lao động có tay nghề cao. Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải thuộc nhóm ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đóng góp ngân sách lớn và thực hiện tốt chế độ an sinh xã hội cho người lao động.
Thất thoát thợ giỏi
Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình là một trong những cơ sở đào tạo nghề uy tín bậc nhất tỉnh Ninh Bình. Mỗi năm, nhà trường có khoảng một nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Theo ông Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Tổ chức hành chính thì tỉ lệ sinh viên ra trường và làm việc cho các doanh nghiệp ở các tỉnh ngoài đạt từ 60-70%. Số còn lại, nhiều người mở xưởng để tự làm, số ít làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Sở dĩ phần lớn sinh viên làm việc cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài là bởi hầu hết đây là nguồn lao động được đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp ở các tỉnh ngoài. Trong khi đó, thì hầu hết chưa có doanh nghiệp nào ở tỉnh Ninh Bình tham gia liên kết đào tạo hoặc đặt hàng. Mặc khác, một điểm hấp dẫn các sinh viên trong trường khi quyết định đi làm việc ở tỉnh ngoài, đó là mức lương và các chế độ đãi ngộ khác.
Anh Lê Đức Lĩnh là cựu sinh viên của trường Cao đẳng Cơ giới. Hiện nay, anh Lĩnh đang làm việc cho một công ty ở Bắc Ninh. "Tôi từng đi tìm việc làm ở các doanh nghiệp lớn trong tỉnh. Tuy nhiên, mức lương mà doanh nghiệp đưa ra chưa đủ để hấp dẫn tôi. Tôi dành một năm để làm việc cho một xưởng cơ khí của người bạn, để tích lũy thêm kinh nghiệm. Sau đó, tôi quyết định đi Bắc Ninh tìm việc làm. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, lại có hơn 1 năm kinh nghiệm làm nghề cơ khí, tôi dễ dàng tìm được một vị trí việc làm tốt, mức thu nhập ổn định và cao hơn hẳn mức lương mà tôi từng được chào mời. Tuy làm việc xa nhà song những gì người lao động nhận lại khá tương xứng với sức lao động mà bản thân mình cống hiến. Đó còn chưa kể, tại các thành phố lớn có nhiều dịch vụ hỗ trợ như: nhà trẻ bán trú, dịch vụ đưa đón học sinh, khu nhà ở cho công nhân… rất tiện lợn cho công nhân có con nhỏ khi làm việc liên tục trong 8 giờ trong các doanh nghiệp" - Anh Lĩnh nói.
Còn đối với anh Đinh Văn Huy ở huyện Gia Viễn lại là một câu chuyện khác. Anh Huy đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Huy kể rằng, ở Hàn Quốc, anh được nhận vào làm tại một công ty cơ khí với mức lương ổn định gần 30 triệu đồng/tháng. Sau 4 năm làm việc nơi xứ người, anh Huy tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp và có được số vốn đáng kể nên quyết định trở về quê hương để lập nghiệp và ổn định gia đình. Song đến nay anh Huy vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với ngành nghề mình đã từng làm. "Với tay nghề của mình, tôi có thể tự tin làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hiện, ngay ở tỉnh cũng có những doanh nghiệp cơ khí, tuy nhiên, doanh nghiệp lại trả mức lương thấp, cũng chỉ như lao động bình thường khác. Nếu so sánh mức lương này với sức lao động và tay nghề của chúng tôi thì thực sự chưa cân xứng. Một số người cùng đi xuất khẩu với tôi không xin được việc làm phù hợp trong tỉnh đã tìm đi các tỉnh khác để làm việc cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc với mức lương khá cao. Còn tôi vướng bận chuyện gia đình nên không thể đi làm xa. Loay hoay mãi, tôi quyết định mua một ô tô để chở khách"- anh Huy nói.
Theo lãnh đạo Phòng Việc làm, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì mặc dù hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương sau khi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng như việc họ có tìm được việc làm phù hợp hay không. Nhưng có thể khẳng định, lực lượng lao động này rất có chất lượng. Bởi lẽ, ngay từ đầu, để tham gia được vào các thị trường lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… thì vòng tuyển dụng, người lao động đã phải trải qua những bước kiểm tra tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc và ngoại ngữ rất khắt khe. Thêm vào đó, những năm tháng làm việc ở nước ngoài đã rèn luyện cho nhiều lao động Việt Nam những kỹ năng, tay nghề vững vàng, tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhanh nhẹn. Đây thực sự là nguồn nhân lực cần được khai thác. Nếu không thu hút được thì đó là một sự lãng phí lớn.
"Giữ chân" bằng chính sách
Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều muốn được "sở hữu" một đội ngũ lao động lành nghề, nhưng lại chưa có chính sách đãi ngộ rõ ràng để thu hút người lao động về làm việc gắn bó lâu dài với đơn vị mình. Bởi thế, mà việc tuyển lao động có tay nghề vốn đã khó lại càng thêm khó. Thậm chí, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "chảy máu" nguồn lao động chất lượng cao. Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Đa số các doanh nghiệp đến tuyển lao động qua sàn giao dịch việc làm đều không có sự phân định rõ về cơ chế lương thưởng, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc… giữa lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chế độ chính sách, quyền lợi hợp pháp cho người lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa đảm làm người lao động chưa thật sự yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, thường xuyên dịch chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác.
Theo số liệu từ Ban quản lý KCN tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 40 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong 5 KCN. Những năm qua, Ban quản lý KCN đã rất sát sao trong việc phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi của doanh nghiệp đối với người lao động theo đúng quy định của Luật Lao động. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp mở rộng các khoản phúc lợi nhằm thu hút người lao động như hỗ trợ xăng xe, thưởng chuyên cần, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao... Tuy nhiên, những chế độ đó cũng mới ở mức tối thiểu. Đặc biệt, thực tế cho thấy chưa có KCN nào xây dựng được các thiết chế quan trọng như: nhà trẻ cho con công nhân, nhà ở xã hội ... như một số địa phương khác.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Muốn cải thiện được tình trạng khan hiếm lao động tay nghề cao hiện nay, không còn cách nào khác là phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề; dự báo về xu thế của thị trường lao động để có chiến lược đào tạo nghề phù hợp. Từ thực tế về chất lượng nguồn lao động hiện hữu và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, một trong những yêu cầu bắt buộc trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong thời gian tới, đó là chuyển từ mục tiêu "số lượng việc làm" sang "chất lượng việc làm". Cùng với đó, mong rằng cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh ta tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng lao động; tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng như ký túc xá, nhà văn hóa công nhân, nhà trẻ; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu việc làm, tuyển dụng nguồn nhân lực trên địa bàn.
Đặc biệt, đối với mỗi doanh nghiệp, cần phải nhận thức đầy đủ rằng, chất lượng lao động chính là yếu tố sống còn. Nhưng để sở hữu được nguồn lao động có chất lượng, đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo được môi trường làm việc thân thiện với chế độ lương, thưởng, phúc lợi công bằng và hợp lý. Có như vậy mới nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vì rõ ràng, thiếu cơ chế ưu đãi, chính doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động có chất lượng. Và nếu tuyển dụng được thì cũng khó giữ chân lao động được lâu dài.
Bài, ảnh: Đào Hằng