Ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện
Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua được tỉnh quan tâm, chú trọng. Các chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này đã phần nào phát huy được hiệu quả, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tiếp cận và hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, môi trường... Qua đó đã tạo nên sức hấp dẫn, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Có thể thấy, ngoài chính sách của Trung ương, Ninh Bình cũng đã ban hành một số chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp như: Nghị quyết 32/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 31/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2011-2015; Chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao tại huyện Yên Khánh, Nho Quan; Nghị quyết số 10/TU và Đề án số 15/ĐA-UBND của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo; Nghị quyết số 04/NQ-TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ; chương trình kiên cố hóa kênh mương; nghị quyết về kinh tế biển...
Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn như hệ thống tưới, tiêu, điện nước, giao thông nội đồng...cũng đã được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Công tác quy hoạch cũng được quan tâm đúng mức, nhiều quy hoạch quan trọng cũng đã được phê duyệt, ban hành và phát huy hiệu quả như quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm, quy hoạch hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp nước ngọt phục vụ sản xuất...
Đặc biệt là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, hoạt động khoa học và công nghệ của ngành nông nghiệp đã không ngừng đổi mới và phát huy hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tạo ra nông sản có chất lượng tốt, năng suất cao, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp của tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, điều kiện tự nhiên của tỉnh cũng có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy, hải sản, trồng trọt. Mặt khác, phần lớn các trang trại, gia trại, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này đều là những nông dân giỏi, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, nhạy bén với thị trường, có am hiểu nhất định về sản xuất cũng như việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Phát triển chưa xứng với tiềm năng
Hiện nay, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ninh Bình chủ yếu do các tổ chức, cá nhân đầu tư dưới hình thức trang trại, gia trại, có một số nâng cấp lên quy mô doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.
Theo kết quả thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có khoảng 641 gia trại, 208 trang trại; lĩnh vực đầu tư của các trang trại, gia trại bao gồm chăn nuôi chiếm 54%, thủy sản chiếm 18%, trồng trọt chiếm 7,3%, mô hình tổng hợp chiếm 20,7%.
Trong lĩnh vực trồng trọt, một số địa phương như Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan, thành phố Ninh Bình...đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất rau và dược liệu.
Tuy vậy, công tác chế biến, bảo quản rau quả tươi sau thu hoạch chưa thực sự phát triển. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 5 cơ sở sản xuất, tiêu thụ và chế biến rau quả và nấm như: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Hoàng Lê, Công ty á Châu, Công ty TNHH ớt Việt Nam.
Bên cạnh đó, lượng rau, củ, quả hàng năm được sản xuất, thu mua, chế biến chiếm tỷ lệ nhỏ, tỷ lệ sản phẩm trên địa bàn không ổn định.
Mặc dù từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn cũng đã thu hút được một số dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến, sản xuất rau, quả và dược liệu... song quy mô, mức độ đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức còn hạn chế và chưa đồng bộ.
Toàn tỉnh đã có khoảng 20 doanh nghiệp đang hoạt động và thực hiện đầu tư trong các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất, kinh doanh thức ăn phục vụ chăn nuôi. Xuất phát điểm của các doanh nghiệp này chủ yếu từ các trang trại, gia trại.
Nguồn vốn tích lũy từ quá trình sản xuất, chăn nuôi được tái đầu tư để mở rộng sản xuất, diện tích trang trại và chuyển dịch hình thức hoạt động sang doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV, Công ty cổ phần.
Lĩnh vực thủy sản được đánh giá là thế mạnh của tỉnh. Đến hết năm 2014, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ước đạt 4.340 ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống. Ngoài ra đang phát triển một số giống mới theo hình thức thâm canh và bán thâm canh tại một số vùng ruộng trũng. Mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ cá hiện nay cũng đang phát triển mạnh, điển hình là ở vùng ruộng trũng của huyện Nho Quan, Gia Viễn.
Các địa phương khác như Yên Mô, Hoa Lư, Tam Điệp phát triển theo vùng tập trung quy mô hộ gia đình, diện tích dưới 1ha. Đối với một số vùng có điều kiện thuận lợi về giao thông hoặc có ưu thế phát triển thủy sản, các hộ gia đình đã chuyển đổi xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, nâng cao hiệu quả canh tác. Tuy nhiên, số lượng còn hạn chế, manh mún...
Nhận xét về hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua, ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh mặc dù đã có sự phát triển, tuy nhiên quy mô còn nhỏ, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch phát triển. Hình thức đầu tư chủ yếu theo tập quán canh tác cũ, hiệu quả và giá trị kinh tế đem lại không cao.
Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, con số này chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với 550 dự án của toàn tỉnh. Số vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng rất ít, chỉ chiếm khoảng 5,5% số vốn đăng ký.
Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, một số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho trồng trọt không đáng kể.
Cần có cơ chế đặc thù
Có thể nói, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là đòi hỏi cấp thiết trong điều kiện hiện nay của tỉnh. Tuy nhiên, để thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần có chính sách hợp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp về các lĩnh vực như: đất đai, vốn, thuế, cải cách hành chính...
Trước thực tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro khi sản phẩm nông nghiệp còn phụ thuộc vào chất lượng và giá cả thị trường.
Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương và người dân trong việc sản xuất các mặt hàng nông sản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để sản phẩm nông sản ngày càng chất lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn có một chính sách hợp lý trong hỗ trợ nguồn vốn vay, tạo điều kiện huy động vốn cho doanh nghiệp...
Để thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh đã giao cho các ngành chức năng dự thảo chính sách ngoài các nội dung đã quy định trong Nghị định 210 của Chính phủ, một số nội dung phù hợp với tình hình thực tế sẽ được tỉnh bổ sung.
Ông Lê Xuân Thịnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mặc dù có rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong nông nghiệp cần đầu tư như kinh tế hộ gia đình, trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Tuy nhiên, việc hỗ trợ doanh nghiệp, mức hỗ trợ và lĩnh vực hỗ trợ phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm đảm bảo cho chính sách có tính thực tiễn, khả thi và đem lại hiệu quả cao, thực sự là đòn bẩy khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn n
Bài , ảnh: Nguyễn Thơm