Mặc dù là tỉnh có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, tuy nhiên việc thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tỉnh chọn cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá.
Cùng với cả nước, từ đầu năm đến nay Ninh Bình đã tích cực triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường cạnh tranh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông"; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ làm ở bộ phận "Một cửa", đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Qua đó thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính tại các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành của UBND tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 100% đơn vị hành chính các cấp thực hiện cơ chế "một cửa", trong đó 17/17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 8/8 đơn vị hành chính cấp huyện, 145/145 đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời mở thêm 2 lĩnh vực là cấp phép đầu tư và cấp giấy phép xây dựng. Qua đó đã thúc đẩy minh bạch hóa các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tăng cường tính hiệu quả của các dịch vụ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình "Một cửa liên thông" đối với các dự án đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các thủ tục hành chính đảm bảo tính công khai, minh bạch được cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia nhằm đảm bảo tính kịp thời theo quy định của pháp luật.
Các thủ tục hành chính có liên quan đến người dân và doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết đã được UBND tỉnh công bố kịp thời và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên các website của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đảm bảo thuận tiện cho việc tra cứu, thực hiện.
Khâu đột phá trong cải cách hành chính ở Ninh Bình phải kể đến bộ tiêu chí xếp loại từng chính quyền của các huyện cũng như các sở, ngành về cải cách thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành một cơ chế kiểm soát việc thực hiện các tiến độ cải cách thủ tục hành chính của các sở, ngành với đánh giá xếp loại cụ thể.
Thông qua đó, tỉnh sẽ nhắc nhở, quy định trách nhiệm cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị để chậm trễ hoặc gây ảnh hưởng đến tốc độ, tiến độ của các dự án khi tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp.
Tỉnh cũng thiết lập đường dây nóng để các doanh nghiệp phản ánh tình hình liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng như đề xuất của doanh nghiệp đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy đã giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy quản lý và tiếp nhận các thông tin trên.
Cùng với các giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương, Ninh Bình đã triển khai 10 nguyên tắc; trong đó có những vấn đề nổi bật như thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp. Việc cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp còn được thực hiện đầy đủ ở các sở, ngành có liên quan.
Ông Trịnh Xuân Ba, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường đã công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, bảng giá đất giai đoạn 2015-2019 của tỉnh trên trang thông tin điện tử của tỉnh và của ngành.
Đồng thời Sở đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của 8/8 huyện, thành phố. Xây dựng đề án "Một cửa liên thông" liên quan đến đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đối với các trường hợp xin thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất sau khi các thủ tục về đầu tư hoàn thiện, các tổ chức nộp hồ sơ đến bộ phận "một cửa" đều được xử lý nhanh gọn, đúng thời gian 20 ngày.
Bên cạnh đó, thuế và hải quan cũng là những lĩnh vực được tỉnh quan tâm và tích cực triển khai cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ người nộp thuế.
Đối với lĩnh vực thuế, ông Hà Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn được tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ thường xuyên về dịch vụ nộp thuế điện tử. Số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế đạt 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Cục Thuế tỉnh cũng đã triển khai quản lý thuế tập trung cho Văn phòng Cục thuế tỉnh và 8 Chi cục thuế các huyện, thành phố. Đến nay các đơn vị trong toàn ngành đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ công tác khai thuế qua mạng. Hàng năm, ngành Thuế tổ chức các hội nghị tập huấn, đối thoại và giải đáp các chính sách thuế cho người nộp thuế.
Một lợi thế cho môi trường đầu tư ở Ninh Bình là vừa qua Cục Hải quan Hà Nam Ninh được thành lập và đóng trên địa bàn. Cục Hải quan đã thực hiện chế độ một cửa toàn bộ các dây chuyền nghiệp vụ theo quy định của Tổng cục Hải quan từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Cục.
Thực hiện thủ tục Hải quan điện tử, do đó giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Kiên quyết xử lý các hành vi "làm khó" doanh nghiệp của cán bộ, công chức ngành Hải quan, lãnh đạo Hải quan các cấp đã công khai số điện thoại đường dây nóng và duy trì hoạt động thường xuyên của Tổ giải quyết vướng mắc thủ tục hải quan.
Đồng thời ngành Hải quan cũng đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa ngành Hải quan và doanh nghiệp nhằm nắm được kế hoạch xuất, nhập khẩu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thủ tục hải quan, trong thực hiện các chính sách và cơ chế điều hành.
Có thể nói, việc lựa chọn cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá trong việc tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là hướng đi đúng và nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh đã thành lập mới được 404 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký đạt gần 6.264 tỷ đồng. Điều này cho thấy Ninh Bình đang lựa chọn đúng hướng đi để đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn. |
Nguyễn Thơm