Qua gần 1 năm thực hiện Quyết định số 1111 ngày 26-12-2014 của UBND tỉnh về việc "Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020" đã đạt được một số kết quả quan trọng: Duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh toàn ngành và nâng cao thu nhập cho nông dân; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 (theo giá so sánh 2010) tăng 2,1%, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đã hoàn thành một số quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng; quy hoạch cánh đồng mẫu lớn; đồng thời đang triển khai điều tra, phân tích, đánh giá chất lượng đất đai và đề xuất định hướng sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, dự kiến hoàn thành trong năm 2016; hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và một số quy hoạch khác.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thế mạnh của từng địa phương gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích người nông dân sử dụng phân bón vi sinh, áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt; thực hiện dự án thử nghiệm sử dụng phân bón vi sinh Power Ant cho một số cây trồng.
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nhất, là khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Năm 2015, tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí để thụ tinh nhân tạo; nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh giống bò lai cao sản BBB. Đối với lĩnh vực thủy sản, đã mở rộng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, diện tích ruộng trũng sang kết hợp nuôi trồng thủy sản hay nuôi trồng thủy sản chuyên canh, thâm canh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhấn mạnh, tuy việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo bước chuyển biến tích cực; nhưng cũng còn nhiều vấn đề khó khăn, cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành và các địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển ngành phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu; chú trọng công tác quy hoạch các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa; xây dựng thí điểm và tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tại xã về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác phối, kết hợp trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như xây dựng liên kết vùng; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho một số nông sản, thực phẩm chủ lực; đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2016 đạt từ 2% trở lên.
Hà Phương