Điểm nổi bật trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của thôn Yên Ninh là tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Ông Bùi Mạnh Tiến, Bí thư chi bộ thôn cho biết, để phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thực sự đi vào chiều sâu, xã, thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân. Trong đó phát huy vai trò của lãnh đạo thôn, trưởng dòng họ, đặc biệt là tính tiền phong, gương mẫu của các đảng viên trong việc vận động con cháu thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, xóm, xây dựng nếp sống văn hóa, chịu khó làm ăn, không mắc tệ nạn xã hội. Qua phong trào, mỗi người dân đã nâng cao ý thức trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa như truyền thống đạo hiếu gia đình, tình làng nghĩa xóm..., từ đó loại bỏ dần các tập tục lạc hậu, cổ hủ. Tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các phong trào của địa phương ngày càng phát triển.
Những năm trước đây, đường vào trong thôn, nhất là các tuyến đường dân sinh chủ yếu là đường đất, lòng đường nhỏ hẹp. Những hôm trời mưa mặt đường trở nên lầy lội, đi lại rất khó khăn. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân trong thôn đã tự nguyện hiến một phần đất thổ cư, các công trình phụ, tháo dỡ tường bao của gia đình để xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Gai tự nguyện dỡ bỏ tường bao kiên cố của gia đình, hiến trên 20 m2 đất; gia đình ông Quách Văn Trường hiến 15m2 đất.... để mở rộng đường giao thông thôn, xóm. Nhờ đó, đến nay trên 60% đường trong thôn được bê tông hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thôn.
Thôn Yên Ninh có gần 100% số hộ trong thôn đều làm nông nghiệp. Với cam kết xóa được đói, giảm được nghèo nên sau khi đăng ký xây dựng thôn văn hóa, các gia đình trong thôn không trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, mà nỗ lực phấn đấu vươn lên. Nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tiêu biểu như gia đình ông Hoàng Văn Mãn trước đây thuộc diện hộ nghèo trong thôn, cả gia đình sống bằng nghề nông và làm dịch vụ xe bò kéo. Ông Mãn đã mạnh dạn vay vốn, mua ô tô làm dịch vụ chở thuê, mở xưởng sản xuất dép nhựa..., đến nay gia đình ông đã trở thành hộ khá trong thôn, các con đều có công ăn việc làm ổn định.
Để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng luôn được duy trì và phát triển. Hàng năm, vào ngày lễ, Tết, tại nhà văn hóa thôn thường xuyên diễn ra các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, lồng ghép với việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hương ước, quy ước của địa phương. Hiện thôn đã thành lập được các CLB văn nghệ, bóng bàn, cầu lông… Đội văn nghệ của thôn hoạt động khá mạnh, luôn là nòng cốt để xã tuyển chọn những hạt nhân tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện.
Việc học của con em thường xuyên được quan tâm. Thôn đã xây dựng nguồn quỹ khuyến học thường xuyên từ 3- 5 triệu đồng. Hàng năm, thôn đều tổ chức phát thưởng cho học sinh học khá, giỏi các bậc học. Tỷ lệ con em học sinh giỏi của thôn ngày càng tăng lên, mỗi năm thôn có trên 10 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Với những kết quả đạt được trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thôn Yên Ninh nhiều năm liền được công nhận là thôn văn hóa, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn năm 2011 còn 13%, năm 2013 giảm còn 8,5%.
Bài, ảnh: Minh Quang