Là bệnh viện tuyến huyện nhưng những ngày rét đậm vừa qua, Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan luôn có khá đông bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó gia tăng đối tượng người già và trẻ em. Được biết, trung bình mỗi ngày, khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp đón gần 300 lượt bệnh nhân, ngày cao điểm rét đậm tăng lên gần 400 bệnh nhân; trong đó chiếm 40-50% bệnh nhân là người già và trẻ em với khoảng 40-50% chẩn đoán mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, bệnh mãn tính về xương khớp, huyết áp, tim mạch…
Bà Nguyễn Thị Thu, xã Lạng Phong (Nho Quan), 80 tuổi, vốn mắc nhiều bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, những ngày rét đậm bà mắc thêm bệnh viêm phế quản phải nhập viện điều trị tại khoa cấp cứu tích cực. Sau điều trị hơn 1 tuần, bệnh tình ổn định, bà Thu được về nhà với chỉ định của bác sĩ phải giữ ấm toàn thân, vận động nhẹ nhàng, ăn uống đủ chất, thức ăn mềm đảm bảo ATVSTP.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hải, bác sĩ Khoa khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Nho Quan cho biết: thời tiết những ngày rét đậm làm cho sức đề kháng ở người già và trẻ em giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh hô hấp, các bệnh viêm nhiễm mãn tính bùng phát. Bệnh nhân vào viện chủ yếu là người già, tuổi cao và trẻ dưới 5 tuổi, đa số tái các bệnh mãn tính về huyết áp, tim mạch, viêm phế quản, xương khớp… đối với người già và bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm mũi, cảm lạnh, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản phổi… đối với trẻ em.
Đặc biệt, trẻ càng nhỏ thì bệnh có diễn tiến càng nhanh, nên việc điều trị thường mất thời gian, bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn. Do số bệnh nhân tăng nên khi cần thiết, bệnh viện sẽ kê thêm số giường nội trú nhằm đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người bệnh và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Đối với Bệnh viện Sản-nhi tỉnh, trong gần 1 tuần rét đậm vừa qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám cho 500-600 lượt trẻ em. Đặc biệt 3 ngày (8-11/1), có gần 1.700 trẻ em đến viện khám, trong đó trên 400 trẻ em phải nhập viện, tăng khoảng 20% so với ngày thường. Tại khoa sơ sinh đang điều trị cho gần 100bệnh nhân, trong đó chủ yếu là trẻ mới sinh đến vài tháng tuổi, mắc các bệnh về đường hô hấp, như sốt cao, cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi… Trong đó hầu hết các trường hợp nhập viện đều là những ca bệnh nặng.
Anh Phạm Ngọc Hướng, thôn 6, xã Phú Sơn (Nho Quan) quay cuồng với 2 con đều phải nhập viện (cháu lớn 18 tháng tuổi và cháu bé 20 ngày tuổi), cả hai cháu đều bị viêm phổi, cháu bé nặng hơn phải nhập điều trị tại bệnh viện sản nhi, cháu lớn nằm tại bệnh viện đa khoa Nho Quan. Anh Hướng cho biết, nguyên nhân là do thời tiết lạnh kéo dài, đột ngột, anh chị còn trẻ chưa biết cách chăm sóc, bảo vệ cho con nên trẻ dễ mắc bệnh phải nhập viện.
Bác sĩ Đinh Ngọc Thành, bác sĩ Khoa sơ sinh, Bệnh viện Sản- nhi cho biết: thời tiết lạnh đột ngột, lạnh sâu hoặc kèm mưa phùn gió bấc là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển gây nhiễm khuẩn đường hô hấp khiến trẻ bị viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ sẽ bị suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Thực tế các bệnh do virus không cần dùng đến kháng sinh mà phải chăm sóc tốt về dinh dưỡng, vệ sinh sạch sẽ và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh. Khi trẻ có biểu hiện ngủ li bì, ăn kém, thở rít... cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Thành cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ, khi trời lạnh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức. Vì nhiều bố mẹ mặc quá ấm cho trẻ, khi trẻ chạy nhảy nóng bức, chảy mồ hôi phía lưng, ngực dễ thấm ngược vào cơ thể gây viêm đường hô hấp.
Nếu dùng điều hòa nhiệt độ, chỉ nên để nhiệt độ từ 20-25 độ C, để khi trẻ ra khỏi phòng, sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà không quá cao. Đặc biệt nếu trẻ bị sốt cao liên tục, li bì, nôn nhiều, đau đầu, co giật, tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám, điều trị.
Dự báo, thời gian tới, miền Bắc sẽ tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống rất thấp vào ban đêm và sáng sớm. Do vậy, việc giữ sức khỏe là rất cần thiết, nhất là với đối tượng người già và trẻ em. Ngành Y tế khuyến cáo người dân luôn giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để giữ gìn sự khỏe mạnh của cơ thể, có đủ điều kiện chống chọi với thời tiết lạnh khắc nghiệt.
Đồng thời cảnh giác với những tai nạn do bỏng trong khi sưởi lửa, sưởi điện, sưởi than khi nhà có trẻ em; tránh cho trẻ nhỏ mặc quá nhiều quần áo và chở bằng xe máy đi ngoài đường trong thời tiết rét lạnh. Đối với người cao tuổi, trong những ngày trời rét đậm, nếu có triệu chứng như tê bì chân tay, nói ngọng, yếu, cần phải được gia đình đưa đi khám ngay để tránh bệnh diễn biến nặng, dẫn tới tai biến mạch máu não. Đặc biệt các gia đình cần tránh sưởi ấm bằng than tổ ong trong phòng kín, thiếu khí gây ngạt, nguy hiểm đến tính mạng…
Bài, ảnh: Hạnh Chi