Thói quen đọc sách cần được nuôi dưỡng thường xuyên
Chủ Nhật, 17/04/2022, 07:27
Zalo
Đọc sách là một thói quen. Thói quen ấy nên hình thành càng sớm càng tốt và quan trọng nữa là phải được nuôi dưỡng thường xuyên. Nhân ngày Sách Việt Nam, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với bà Lại Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh để cùng tìm hiểu kỹ hơn về nỗ lực của đơn vị trong việc "kéo" người trẻ lại gần với sách, yêu sách, đọc sách mỗi ngày.
Thói quen đọc sách cần được nuôi dưỡng thường xuyên
Phóng viên (P.V): Sách có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Nhưng có một thực tế, là giới trẻ hiện nay bị hấp dẫn bởi các phương tiện nghe, nhìn hiện đại khác mà thiếu đi sự mặn mà với việc đọc sách. Bà có cùng chung nhận định này?
Bà Lại Thu Hà: Sách chứa đựng vô vàn điều thú vị, dạy cho chúng ta những kiến thức bổ ích, những bài học sâu sắc, đồng thời giúp ta tích lũy được vốn từ rất phong phú… Tuy nhiên, đúng là thực tế hiện nay, người mê đọc sách, nhất là người trẻ đọc sách đang ít dần đi. Nguyên nhân khách quan là do hiện nay chúng ta đang đứng trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube… Sách in cũng khó cạnh tranh được với sách điện tử bởi sự tiện ích, tính cập nhật thông tin.
Thực tế tại Thư viện tỉnh cho thấy, lượng bạn đọc đến thư viện không nhiều và không đều. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì lượng bạn đọc đến thư viện giảm rõ rệt. Mặt khác, việc đọc sách hiện nay mới chủ yếu chỉ dừng lại ở việc tra cứu tài liệu, đọc sách theo thị hiếu đám đông, còn kỹ năng đọc như thế nào thì chưa được bạn đọc chú ý và đầu tư. Nhất là đối với giới trẻ, đang có thực trạng lười đọc, đọc ít và đọc theo phong trào, theo tâm lý đám đông.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người trẻ "dán" mắt vào các thiết bị thông minh ở những nơi công cộng như bến chờ xe, chờ tàu… thay vì họ say sưa với một cuốn sách yêu thích nào đó trong lúc chờ đợi. Đó là thực tế đáng suy ngẫm.
P.V: Theo bà, để duy trì được thói quen đọc sách thì việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen ấy cần phải được thực hiện như thế nào?
Bà Lại Thu Hà: Đọc sách là một thói quen cần phải được nuôi dưỡng thường xuyên. Để người trẻ hình thành và duy trì được thói quen đọc sách thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nói cách khác, để hình thành được văn hóa đọc thì cần có sự nỗ lực bền bỉ từ nhiều phía.
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, ở góc độ gia đình, trước hết, bố mẹ cần làm gương cho trẻ bằng cách khi con đọc sách, bố mẹ cũng cần đọc sách. Nếu bố mẹ không yêu sách, không trân trọng sách, trân trọng người làm ra sách thì con trẻ trong vô thức cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường này. Bố mẹ cũng cần quan tâm, hướng dẫn chỉ bảo để tạo cho con trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và những kỹ năng cần thiết để lựa chọn sách đọc phù hợp ở từng giai đoạn độ tuổi.
Khi trẻ đọc sách bao giờ cũng có nhu cầu trao đổi với bố mẹ về nội dung cuốn sách, vì vậy, bố mẹ cần lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ với con một cách tôn trọng và thú vị. Khi trẻ tới trường, thầy cô giáo chính là người dẫn dắt các em đến với thế giới muôn màu của sách.
Thầy cô hướng dẫn các em đến với tác phẩm hay, có ý nghĩa; tạo cho các em niềm hứng khởi khi đọc các tác phẩm văn học thông qua nhiều hình thức như thuyết trình về văn học, hội diễn văn nghệ, kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học, hội thi kể chuyện …
Cán bộ thư viện nhà trường nên thuyết trình, lý giải được những ý hay, ý đẹp của tác phẩm văn học nghệ thuật; gợi ý, chỉ dẫn cho các em nên đọc cuốn sách nào? Tìm ở đâu? Và đọc như thế nào? Không chỉ các em đọc mà giáo viên cũng phải đọc cùng các em…
P.V:Bà có thể chia sẻ về những nỗ lực của Thư viện tỉnh trong việc đưa sách đến gần hơn với độc giả?
Bà Lại Thu Hà: Để góp phần phát triển văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ thì Thư viện tỉnh cũng không thể đứng ngoài cuộc. Để thu hút độc giả đến với thư viện, trước hết, cần phải xác định rõ thư viện phải là trung tâm thông tin, trung tâm đọc sách, trung tâm học tập.
Người cán bộ thư viện không chỉ là người đi lấy sách cho mượn, quản lý sách mà phải là người hướng dẫn người đọc học trong cuốn sách. Cán bộ thư viện yêu sách trước, sau đó mới lan tỏa được tình yêu sách đến với bạn đọc, phải nắm được nội dung cuốn sách, sau đó nội dung sách phải được chuyển hóa bằng nhiều cách thức, dạng thức khác nhau mới kích thức hứng thú đọc sách của độc giả…
Thư viện Trường Tiểu học Khánh Phú (Yên Khánh) thu hút nhiều học sinh đến đọc sách. Ảnh: Minh Quang
Những năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên trong Thư viện tỉnh đã triển khai khá nhiều giải pháp để phấn đấu thực hiện được các mục tiêu như đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, để hấp dẫn được người trẻ, lôi cuốn người trẻ đến với thói quen đọc sách, những năm qua, Thư viện tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như: tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu với độc giả; phối hợp với thư viện các trường học trưng bày sách nhằm thu hút bạn đọc; hướng dẫn học sinh cách đọc sách…
Đặc biệt, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc dành cho học sinh các cấp học được tổ chức hàng năm có nhiều điểm hấp dẫn như đề tài viết tiếp câu chuyện mà em yêu thích, các em học sinh sẽ phải đọc và có cảm nhận về câu chuyện, từ đó thỏa sức sáng tạo, gửi gắm mong muốn của bản thân thông qua việc viết tiếp câu chuyện.
Hàng năm Thư viện tỉnh cũng đã bổ sung đầu sách theo nhu cầu của bạn đọc, nhất là nhu cầu của đối tượng là thanh, thiếu niên, nhi đồng góp phần làm phong phú thêm tủ sách thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ. Nhằm tạo điều kiện cho trẻ đọc sách được thoải mái, thư viện bố trí phòng đọc riêng được trang bị đầy đủ ánh sáng, bàn ghế sạch sẽ, thoáng mát… phục vụ các em đến đọc sách, tra cứu thông tin.
Hiện nay, kho sách của Phòng đọc sách thiếu nhi đa dạng với nhiều thể loại khác nhau được thiếu nhi quan tâm như: Truyện tranh, truyện cổ tích, sách về những nhân vật lịch sử, các nhà bác học tài năng trong và ngoài nước… Thư viện cũng bố trí thủ thư là người vững nghiệp vụ và có kiến thức, kỹ năng giao tiếp với trẻ để tư vấn, hướng dẫn các em lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi và có thể tự chọn những cuốn sách mà mình yêu thích. Sách, báo được sắp xếp khoa học, tạo điều kiện cho các em tìm đọc dễ dàng.
Ngoài ra, thư viện còn tăng cường các nội dung hoạt động bằng nhiều hình thức phục vụ đa dạng, phong phú, kết hợp với các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh nhằm thu thút các em đến với thư viện, hướng các em đến với việc đọc sách một cách chủ động và tích cực.
Đặc biệt, để đưa sách về với trẻ em vùng xa, Thư viện tỉnh đã tổ chức đưa xe thư viện lưu động về tận các huyện trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho trẻ ở vùng xa được tiếp cận với nguồn sách, báo phong phú. Từ đó, trẻ tìm được sự thú vị trong từng trang sách.
Trong năm 2021, Thư viện tỉnh đã tổ chức đưa xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện đi luân chuyển sách và phục vụ lưu động tại 153 điểm trường học và điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng; Phối hợp với đoàn thanh niên Công an tỉnh xây dựng mô hình "Tủ sách hướng thiện" tại Trại tạm giam công an tỉnh góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp phạm nhân cải tạo tốt để trở thành một công dân tố; Phối hợp với Trường Giáo dưỡng số 2 tổ chức chương trình ngoại khóa chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3 và hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21/4); Luân chuyển 300 cuốn sách đến thư viện nhà trường…