Thành phố Ninh Bình là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc vận động doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến thời điểm hiện tại, trong số 43 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn thì có 26 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trực thuộc LĐLĐ thành phố đã xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể đăng ký với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chiếm 60,5%. (Trong đó doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước 5/5 đơn vị, chiếm tỷ lệ 100%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 2/4 đơn vị, chiếm 50%; doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần 19/34 đơn vị, chiếm 55,9%).
Các doanh nghiệp đã đưa những nội dung có lợi hơn so với Bộ Luật lao động vào ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể như: Chế độ tham quan học tập kinh nghiệm, chế độ thưởng chuyên cần, tổ chức sinh nhật cho đoàn viên, CNVCLĐ, nâng chất lượng bữa ăn ca cho người lao động…, do đó đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được cải thiện rõ rệt. Mối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cũng hài hòa, ổn định.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Ninh Bình cho biết, trước đây, việc vận động các doanh nghiệp thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể còn nhiều khó khăn bởi kiến thức pháp luật của người quản lý doanh nghiệp nói chung còn hạn chế. Phần lớn họ không muốn bị ràng buộc về pháp lý.
Một số chủ doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của những thỏa thuận, cam kết được ghi trong thỏa ước lao động tập thể.
Có những doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể nhưng lại không đúng theo quy định của pháp luật, tức là mới chỉ có sự thỏa thuận nội bộ giữa doanh nghiệp và người lao động mà chưa có sự chứng kiến của cơ quan quản lý lao động theo đúng quy định của Bộ Luật lao động.
Về khách quan, nội dung của bản thỏa ước lao động tập thể còn khá dài dòng, chưa được cải tiến, do đó, nhiều đơn vị còn ngại…
Sau quá trình tuyên truyền, nhận thức của người sử dụng lao động đã được nâng lên. Thậm chí, nhiều đơn vị còn chủ động liên hệ nhờ LĐLĐ thành phố hướng dẫn các thủ tục để thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Theo thống kê từ LĐLĐ tỉnh, tính đến hết tháng 12/2016, trong tổng số 210 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thì có 137 doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó 100% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung cao hơn pháp luật, có lợi cho người lao động. Một số đơn vị làm tốt như: Công ty May Đài Loan, Công ty TNHH May NienhSing, Công ty TNHH Giày Adora…
Hầu hết các quy định trong bản thỏa ước lao động tập thể có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật. Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn đại diện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song cũng theo đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thì việc ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề. Điều đáng bàn tới nhất, đó là chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể vẫn còn thấp, nội dung chủ yếu sao chép Luật, ít có nội dung có lợi hơn cho người lao động.
Theo kết quả đánh giá về chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể do LĐLĐ tỉnh thực hiện năm 2016, trong tổng số 137 bản thỏa ước lao động tập thể mới chỉ có 77 bản đạt chất lượng, trong đó tập trung nhiều ở khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với các bản thỏa ước lao động tập thể còn lại, các nội dung có lợi hơn cho người lao động chủ yếu là các khoản hỏi thăm, hiếu, hỉ, ốm đau, trợ cấp khó khăn…, còn những nội dung cốt lõi khác như tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, an toàn vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca… hầu như chưa đưa hoặc đưa một cách sơ sài vào thỏa ước lao động tập thể.
Phân tích nguyên nhân, ông Lê Đình Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, các bên trong quan hệ lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Bởi vậy, công tác chuẩn bị nội dung, tập hợp ý kiến của người lao động trong thương lượng thỏa ước lao động tập thể chưa bảo đảm quy trình, thủ tục.
Việc tổ chức lấy ý kiến của tập thể người lao động góp ý vào dự thảo thỏa ước lao động tập thể trước khi ký kết còn mang tính hình thức.
Việc phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện thương lượng, xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể chưa hiệu quả. Năng lực, kỹ năng đàm phán của cán bộ công đoàn còn hạn chế…
Thời gian tới, bên cạnh mục tiêu nâng cao hơn nữa tỷ lệ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể thì một nhiệm vụ quan trọng khác đó chính là nâng cao chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể. Để thực hiện được mục tiêu này, LĐLĐ tỉnh sẽ tăng cường công tác tập huấn kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở để họ có đủ trình độ, năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ.
Ngoài ra, cán bộ CĐCS cũng cần tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm tâm lý, tính cách, quan điểm của người sử dụng lao động và văn hóa của chủ đầu tư nước ngoài để lựa chọn phương pháp đối thoại, thương lượng phù hợp; chủ động tham mưu để chủ sử dụng lao động thường xuyên có những thay đổi, bổ sung phù hợp với thực tế vào thỏa ước…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người lao động nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của thỏa ước lao động tập thể.
Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý những vi phạm trong quá trình ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
Đặc biệt, hiện nay, LĐLĐ tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện Đề án Thư viện Thỏa ước lao động tập thể của Tổng LĐLĐ Việt Nam với mục đích nhằm hỗ trợ các cán bộ CĐCS, các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, tham khảo những bản thỏa ước tiên tiến để thành lập các bản thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp với những điều khoản mang tính tích cực.
Có như vậy, mới có thể xây dựng được những bản thỏa ước lao động tập thể có chất lượng, thực sự mang lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động.
Đào Hằng