Đồng chí Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với chức năng của mình, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 22-CT/TU thực hiện Nghị quyết 23-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật; HĐND tỉnh phê duyệt Đề án số 18/ĐA-HĐND về xây dựng làng, phố văn hóa, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi luyện tập thể dục thể thao, điểm vui chơi cho trẻ em; Quyết định phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020… Các huyện, thành, thị ủy, đảng bộ trực thuộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng đề án quy hoạch đất và các chính sách hỗ trợ của địa phương dành cho xây dựng sân thể thao, điểm vui chơi giải trí gắn với xây dựng Nhà văn hóa xã, phường và thôn, bản, phố. Đưa nội dung xây dựng nhà văn hóa là một trong những tiêu chí công nhận Làng văn hóa.
Từ những chủ trương có tính hệ thống, đến nay 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 145/145 xã, phường, thị trấn thực hiện việc quy hoạch đất xây dựng nhà văn hóa, hoạt động thể dục, thể thao. Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Rạp chiếu phim, Trung tâm văn hóa tỉnh được quan tâm củng cố nâng cấp, nâng cao chất lượng phục vụ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ đã diễn ra sôi nổi, phong phú ở các làng quê, khu phố. 100% xã, phường có hệ thống phát thanh, được phủ sóng truyền hình, có điểm Bưu điện văn hóa, tủ sách pháp luật…
Hàng năm các ngành, các huyện, thành phố, thị xã tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp, tập hợp được đông đảo người dân và các bạn trẻ tham gia, phát hiện được nhiều hạt nhân văn nghệ, qua đó tuyển chọn, bồi dưỡng phát triển đội ngũ diễn viên trẻ làm nòng cốt cho các tổ, đội văn nghệ các đơn vị cơ sở. Hệ thống nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ... ở cơ sở được củng cố và phát triển.
Hiện tại 97/145 xã, phường có nhà văn hóa và khu thể thao (đạt 66,44%); 1.198/1.674 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa (đạt 71,57%); 600 sân tập bóng chuyền, cầu lông, quần vợt…; 1 sân vận động cấp quốc gia; 1 Nhà thi đấu cấp quốc gia; 3 sân vận động cấp huyện; 96 sân thể thao phổ thông và hàng nghìn điểm vui chơi giải trí và sân thể thao từng môn.
Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được duy trì và ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa; đến năm 2012, trên địa bàn tỉnh có trên 560 Câu lạc bộ TDTT cơ sở; đã tổ chức được trên 500 trận thi đấu TDTT; 22,5% gia đình thể thao; 27% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; 91,4% trường học duy trì nề nếp chương trình giáo dục thể chất.
Mặc dù những đầu tư của các cấp, các ngành trong tỉnh cho hạ tầng các thiết chế văn hóa ở cơ sở là không nhỏ, song so với nhu cầu của thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng thì những sân chơi văn hóa, thể thao trên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của họ.
Hầu hết việc vui chơi, sinh hoạt của thanh niên nông thôn sau những giờ lao động là những sân chơi mang tính tự phát, nhỏ lẻ và chỉ có mục đích giúp thanh niên nông thôn rèn luyện sức khỏe.
Còn để phát triển về mặt nhân cách, giáo dục lối sống, đạo đức cho các bạn thì vẫn chưa có một sân chơi đích thực nào. Anh Quách Đăng Minh (xã Đức Long, huyện Nho Quan) tâm sự: Mỗi chiều khi làm xong việc đồng áng thanh niên trong thôn thường tụ tập để chơi bóng chuyền. Nhưng chơi xong thì ít nhiều cũng tốn một khoản tiền, vì vậy nhiều thanh niên cũng không thiết tha cho lắm. Nhưng ngoài bóng chuyền ra thì thanh niên trong xóm cũng khó tìm được một sân chơi giải trí lành mạnh khác. Buổi tối nếu không ở nhà xem ti vi thì chỉ biết ngồi quán cà phê hoặc tụ tập uống bia...
Chúng tôi rất muốn tổ chức đoàn ở địa phương có những hoạt động giao lưu, hay nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm... những hoạt động mang tính bổ ích để thu hút thanh niên nông thôn vào những hoạt động lành mạnh.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đi đôi với nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn ở địa phương. Tuy nhiên hầu như chưa có sự hướng dẫn chuyên môn bài bản. Anh Tạ Quang Khải, Bí thư Thị đoàn Tam Điệp cho biết: Tổ chức đoàn ở nông thôn hiện gặp không ít khó khăn không chỉ bởi thanh niên hiện không mấy mặn mà với các tổ chức đoàn thể mà đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở năng lực còn đang hạn chế.
Bên cạnh đó, các chương trình, nội dung hoạt động đoàn còn sơ sài, thiếu tính thuyết phục chưa đi sâu vào đời sống của thanh niên nông thôn, vì thế không hấp dẫn được thanh niên.
Qua cuộc khảo sát về hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tại một số địa phương hầu như mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ là điểm sinh hoạt chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, chưa thường xuyên tổ chức được các hoạt động văn hóa văn nghệ và thể thao.
Ngoài ra, nguồn lực cán bộ văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Nhìn chung lực lượng cán bộ chuyên môn ở các Trung tâm có bằng cấp chuyên môn chỉ chiếm 50%, còn lại là chuyên môn khác; biên chế tổ chức cán bộ cũng không đồng đều, có đơn vị cả lãnh đạo và nhân viên chỉ có 5 đồng chí (huyện Gia Viễn), có đơn vị con số này lên tới 15 người (thị xã Tam Điệp).
Cùng với các thiết chế văn hóa ở cơ sở, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư mặc dù có sức lan tỏa rộng, tạo hiệu ứng tốt trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng làm lành mạnh môi trường giáo dục thế hệ trẻ.
Tuy nhiên còn nổi cộm những vấn đề cơ bản như: Có nơi việc chăm lo tới quyền vui chơi, hoạt động văn hóa, thể thao của các bạn trẻ còn bỏ ngỏ. Nhiều nơi có thiết chế văn hóa, thể thao nhưng chưa có các hình thức tổ chức hoạt động, chưa thu hút các bạn trẻ tham gia hoạt động, chưa có cơ chế phối hợp hoạt động và phân công phối hợp hoạt động giữa các tổ chức đoàn thể và ngành văn hóa trong quản lý, tổ chức hoạt động để khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở…
Để tạo được "sân chơi" lành mạnh cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn thì trách nhiệm không chỉ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay của địa phương nào mà đòi hỏi có sự vào cuộc của các đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên. Các cấp chính quyền cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc củng cố, xây dựng, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao.
Đặc biệt tận dụng, khai thác có hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, để thu hút ngày càng nhiều hơn các bạn trẻ vào sinh hoạt vui tươi, lành mạnh, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, tạo môi trường văn hóa, văn minh cho tuổi trẻ tỉnh nhà rèn đức, luyện tài, lập thân, lập nghiệp.
Xuân Trường