Cán bộ phóng viên thời kỳ này đều từ các ngành khác sang và phải dần làm quen với công việc mới, môi trường mới. Do ít người nên cán bộ, phóng viên của Báo phải kiêm nhiệm, vừa viết bài, chụp ảnh, sửa mo-rat và cả vẽ ma-ket… in ấn bằng kỹ thuật xếp chữ chì, in ty-pô, còn ảnh sau khi in tráng phải mang ra Hà Nội làm bản kẽm...
Bước sang những năm đầu tái lập tỉnh Ninh Bình (1992) khó khăn, thiếu thốn còn nhiều. Thời kỳ này việc vẽ ma-ket và trình bày vẫn phải thuê từ Nam Định sang, chưa có họa sỹ phụ trách; việc in Báo cũng được thực hiện bên Nam Định; sau đó vài năm được chuyển về in tại Ninh Bình, cán bộ của Báo hàng ngày phải trực tiếp xuống xưởng in đọc mo-rát, kiểm duyệt việc in Báo.
Đầu những năm 2000, khi công nghệ thông tin bắt đầu phát triển, đồng chí Tổng Biên tập Trần Phượng đã tổ chức các đoàn đi tham quan, học hỏi báo Trung ương và báo bạn rồi thành lập bộ phận vi tính - chế bản tại cơ quan Báo. Khi ấy Báo đã tự chủ được trong việc nạp bài trên máy vi tính, trình bày trên phần mềm Quark express… mang lại rất nhiều thuận lợi trong tác nghiệp cho bộ phận gián tiếp, mở ra một bước ngoặt trong việc ứng dụng số hóa trong xuất bản báo.
Tuy nhiên, thời kỳ này, việc in ấn vẫn còn phải ra bản bằng giấy can, sau đó mới ra phim và ra bản kẽm, bộ phận chế bản vẫn phải cắt từng trang giấy can ghép lại để ra một trang báo khổ lớn, ảnh cũng đã áp dụng in 4 màu trên máy in laser, tuy nhiên cũng mới áp dụng cho báo cuối tuần, chất lượng còn có mức độ.
Công nghệ in ấn luôn thay đổi và phát triển, việc internet phủ sóng diện rộng đã mang đến những thuận lợi cho việc xuất bản báo. Từ 2010 đến nay, việc trình bày và chế bản đã thuận lợi hơn, bản thiết kế được chuyển trực tiếp đến Công ty in qua mạng internet, bộ phận in ra bản kẽm trực tiếp, việc in ấn đã được các công ty in đầu tư máy móc, nâng cao trình độ của các kỹ thuật viên, góp phần đưa chất lượng in tiệm cận với các nhà in lớn của trung ương, do đó báo thời kỳ này in đẹp, ảnh nét, chững chạc về hình thức, nhất là những số báo đặc biệt, báo Tết.
Thời kỳ này, trang thiết bị của Phòng Vi tính - Chế bản cũng được đầu tư hiện đại, đồng bộ, một số phần mềm được mua bản quyền, các họa sỹ, kỹ thuật viên được gửi đi dự các lớp bồi dưỡng về trình bày báo, hoặc báo mời chuyên gia trong lĩnh vực trình bày về trao đổi nghiệp vụ… do đó thời kỳ này hình thức và chất lượng in ấn được nâng lên đáng kể, nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả trong và ngoài tỉnh.
Những số báo Tết Nguyêt đán được in 4 màu trên giấy couche mart, dày dặn với trên dưới 70 trang, nội dung phong phú, hình thức được trình bày công phu… luôn nhà những món ăn tinh thần trong dịp Tết; những số báo đặc biệt chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp luôn là những ấn phẩm không thể thiếu, góp phần vào thành công của mỗi sự kiện.
Tham gia Hội Báo Xuân 2010, Báo Ninh Bình vinh dự được trao giải B về nội dung bìa báo đẹp; tại Hội Báo Xuân 2015, Báo Ninh Bình tiếp tục được trao giải C cho bìa báo đẹp… đó là những ghi nhận, sự khích lệ, động viên để những người họa sỹ trình bày, những người dàn trang, chế bản tiếp tục công việc thầm lặng của mình.
Bước sang chặng đường mới, chặng đường số hóa len lỏi trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Báo Ninh Bình cũng không phải là ngoại lệ. Cấp ủy, Ban Biên tập đã có những chủ trương, định hướng và cả những ý kiến, đóng góp về số hóa trong lĩnh vực báo chí, cụ thể đối với Báo Ninh Bình.
Phần mềm biên tập đang được triển khai; việc gửi tin, bài qua phần mềm của Báo Ninh Bình điện tử; phần mềm trình bày, dàn trang Indesign… cũng từng bước được ứng dụng. Việc đưa phần mềm dàn trang mới có nhiều thuận lợi, ưu việt hơn, cũng như sự tương thích với các phần mềm khác tốt hơn, giúp cho việc tác nghiệp khoa học, bài bản, nhanh và chính xác.
Có thể nói, đây cũng là thời kỳ đặt ra nhiều thách thức cho những người làm báo nói chung và những người làm trình bày nói riêng. Sự cạnh tranh với các báo điện tử với các mạng xã hội, giữa báo in và báo điện tử, cạnh tranh về cung cấp thông tin, khi mà trình độ dân trí, đời sống và gu thẩm mỹ của độc giả không ngừng được nâng lên, ngoài bài viết hay thì trình bày phải đẹp mới kéo độc giả đến với bài viết. Họa sỹ trình bày trước chỉ trình bày báo in, nay có thể phải tham gia làm cả báo điện tử với sự xuất hiện của nhiều loại hình như Infographic, megastory, e magazin…
Đôi khi một tác phẩm E magazin hay, đẹp trên báo điện tử còn là cảm hứng để độc giả chia sẻ, like… và như thế sức lan tỏa được nhân lên gấp nhiều lần. Chúng ta có thể mua các trang thiết bị hiện đại, đặt viết các phần mềm phù hợp… nhưng yếu tố vô cùng quan trọng đó là con người. Việc đưa đi đào tạo bài bản, chuyên sâu về một số lĩnh vực là nhu cầu cần thiết để có thể tiếp nhận và vận hành những công nghệ làm báo hiện đại.
60 năm - một chặng đường với bao khó khăn, gian khổ. Nhìn lại từ những trang báo, những trang sử đầu tiên ta mới thấy một tấm chân tình mộc mạc mà nhiệt huyết, khó khăn mà không nản chí, hợp sức và đồng lòng để những thế hệ sau thêm trân trọng, biết ơn những gì mà thế hệ đi trước đã gây dựng. Những người làm trình bày báo cũng thấy tự hào vì đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình cùng tập thể, để 60 năm là một dấu mốc quan trọng, là một trang mới trong hành trình phát triển đi lên của Báo Ninh Bình.
Trọng Văn
(Họa sỹ trình bày, Phó Phòng Vi tính - Chế bản)