Tại hội nghị các đại biểu đều tán thành quy định sở hữu đất đai tại dự thảo, theo đó khẳng định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật"; cơ bản nhất trí về bố cục và kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của Dự thảo luật.
Các ý kiến góp ý tập trung vào vấn đề: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tài chính về đất đai và giá đất; chế độ sử dụng các loại đất...
Về các trường hợp thu hồi đất quy định tại điều 61 và 62. Đại biểu Bùi Ngọc Kiên, phó chủ tịch UBND phường Bắc Sơn đề nghị "để vẹn toàn, đầy đủ ý nghĩa và dễ cho việc hướng dẫn sau này nên thêm các khái niệm "trưng mua", "trưng dụng" bên cạnh khái niệm "thu hồi" đối với đất đai.
Đại biểu Lê Văn Sướng, chủ tịch UBND xã Yên Sơn tham gia ý kiến vào các điều 158, 159 về quản lý đất chưa sử dụng và đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng, nên quy định cụ thể hơn đối với đất khai hoang, quy định thời gian khai hoang là bao nhiêu năm và sau khi khai hoang thì đưa vào loại đất nào, thời hạn sử dụng là bao nhiêu lâu.
Tại điều 72 khoản 3 quy định: "cơ quan có trách nhiệm chi trả phải chi trả kịp thời cho người có đất bị thu hồi". đại biểu Nguyễn Hữu Chỉnh, trưởng thôn 4B, xã Đông Sơn cho rằng từ "kịp thời" mang tính chất chung chung nên quy định một khoảng thời gian cụ thể.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần bỏ quy định ở khoản 3 điều 24 về công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn....
Xác định việc sửa đổi Luật đất đai phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn và giải quyết được các vướng mắc khó khăn, UBND thị xã Tam Điệp chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến, đảm bảo việc lấy ý kiến hiệu quả, phát huy trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân; bảo đảm mọi ý kiến đều được lắng nghe và phản ánh về ban soạn thảo.
Nguyễn Lựu