Với phương châm phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao để thúc đẩy nền kinh tế nhanh, bền vững, BCH Đảng bộ thị xã Tam Điệp (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết số 13 về "Phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại đến năm 2010". Theo đó, các ngành được ưu tiên đầu tư là: chế biến rau quả, sản xuất chế biến cói, nứa chắp sơn mài, sản phẩm gỗ mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu, ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp… Để thực hiện thành công Nghị quyết, thị xã và các xã, phường đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. 5 năm qua, thị xã đã tổ chức 21 đoàn với 658 lượt người đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mở 73 lớp đào tạo nghề cho 2.713 lượt lao động chưa có việc làm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thị xã đã quy hoạch 4 khu dịch vụ trong khu dân cư mới và 2 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 32 ha. Trong nhiệm kỳ qua, toàn thị xã đã có 84 dự án phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch và các dự án xây dựng khu đô thị mới được chấp thuận đầu tư. Hiện nay, các dự án đầu tư đã và đang tiến hành xây dựng, triển khai tổ chức sản xuất đạt hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho lao động trong và ngoài vùng, như: xí nghiệp bê tông bưu điện II; doanh nghiệp tư nhân Việt Thắng; Xuân Học, Hùng Hà, Linh Phương… Thị xã đã hỗ trợ kinh phí cho việc áp dụng các đề tài khoa học- công nghệ mới, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần xây dựng và lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Tập trung ưu tiên các dự án sử dụng, khai thác và phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 5 năm qua, tỉnh và thị xã đã hỗ trợ 385 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ 127 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp Khoa học và Công nghệ cho 5 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhằm đào tạo nghề, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chủ động, tích cực ứng dụng các tiến bộ KH&CN, cải tiến, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ thị xã khóa VI, đến nay, một số ngành nghề thủ công nghiệp đã phát triển khá như: sản xuất, chế biến gỗ, may mặc, gia công cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy, kinh doanh vật liệu xây dựng…, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Thị xã đã có 664 cơ sở sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp, thu hút 5.652 lao động, tăng so với năm 2005 là 170 cơ sở và số người được giải quyết việc làm tăng gấp 3,3 lần. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã năm 2010 là 164,7 tỷ đồng, tăng 93,8 tỷ đồng so với 5 năm trước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thị xã còn tập trung phát triển dịch vụ, thương mại. Hoạt động dịch vụ, kinh doanh nhà hàng, khách sạn khá sôi động. Các dịch vụ điện, nước, thiết bị trường học, thiết bị y tế ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển mạnh, tạo điều kiện cho nhân dân lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Thị xã đã có tuyến xe búyt Tam Điệp - Ninh Bình và đã đưa bến xe khách phía bắc, trạm đỗ xe phía nam thị xã đi vào hoạt động. Trong 5 năm qua, thị xã đã đầu tư xây mới 3 chợ, cải tạo và nâng cấp trên 4.000 m2 nhà, ki ốt tại các chợ với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Hàng năm, thị xã đều tổ chức hội chợ thương mại nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của thị xã giới thiệu, quảng bá sản phẩm và ký kết hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp trong, ngoài vùng và toàn quốc. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Dịch vụ Ngân hàng ngày càng phát triển, quy mô ngày càng mở rộng. Trong 5 năm qua, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã cho vay 7.365 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Tam Điệp có 4.012 cơ sở thương mại, du lịch và kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tăng 1.925 cơ sở so với năm 2005. Hoạt động của các cơ sở đã tạo việc làm cho 6.336 lao động. Năm 2010, tổng mức bán lẻ kinh doanh hàng hóa trên địa bàn thị xã đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,1 lần so với 5 năm trước.
Đức Nghĩa