Chúng tôi đến xã Đông Sơn, vùng trồng đào chính của thị xã Tam Điệp vào thời điểm hàng trăm hộ trồng đào phai ở đây đang loay hoay chưa có biện pháp xử lý căn bệnh chảy gôm trên cây đào. Chỉ cho chúng tôi thấy những cây đào bị bệnh, anh Nguyễn Văn Toản, thôn 5 xã Đông Sơn cho biết: Hơn 1.000 cây đào trong vườn của anh, cây nào cũng bị bệnh. Cây bị nhẹ thì thân, cành sần sùi, hoa nhỏ, kém tươi còn cây nào bị nặng thì thân, cành biến dạng, đen lại và sau đó bị chết khô cả cây. Ông Phạm Bá Dỹ, một nghệ nhân trồng đào lâu năm ở đây giải thích: Bệnh chảy gôm trên cây đào không phải là mới xuất hiện. Trước kia cũng có những cây đào có biểu hiện của bệnh này nhưng mức độ và quy mô của bệnh không lớn nên nhiều người không để ý đến. Vài năm gần đây, không rõ là do thời tiết hay môi trường thế nào mà bệnh lây lan rộng với mức độ trầm trọng hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của cá nhân ông Dỹ với bệnh này thì quan trọng nhất là khâu phòng bệnh cho cây. Muốn hạn chế bệnh cần chăm sóc, bón phân hữu cơ để đất tơi xốp, cây sinh trưởng tốt, đồng thời tỉa cành hợp lý, chú ý không làm cây bị thương.
Theo Phòng kinh tế thị xã Tam Điệp, từ năm ngoái đến năm nay thời tiết mưa nhiều đã khiến bệnh lan rộng trên hơn 50 ha vườn đào của địa phương. Bệnh phát sinh đã gây hại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, làm chết cây, chất lượng của hoa đào. Xót thương cho vườn đào của mình, nhiều hộ trồng đào ở đây đã áp dụng các biện pháp phòng trừ như: quét thuốc Ridomil, Vimonyl vào vết bệnh ở thân và gốc cây đã hạn chế bệnh phát sinh tại chỗ nhưng không có khả năng phòng trừ bệnh trên các bộ phận khác của cây. Còn biện pháp phun các loại thuốc trên toàn cây để phòng trừ bệnh khó áp dụng và ít hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
Để khắc phục bệnh chảy gôm trên cây đào phai, chính quyền và các cơ quan chức năng của thị xã Tam Điệp đang nỗ lực vào cuộc, trong đó có gửi mẫu bệnh phẩm để phân lập xác định rõ bệnh, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia bảo vệ thực vật. Mới đây nhất, Trạm BVTV thị xã đã tiến hành đề tài "Nghiên cứu và khảo sát triệu chứng bệnh chảy gôm trên cây đào phai, đề xuất biện pháp phòng trừ". Bà Vũ Thị Kim Dung, Trạm trưởng Trạm BVTV thị xã, chủ nhiệm đề tài cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang tập trung khảo sát, đánh giá mức độ bệnh chảy gôm trên cây đào, đồng thời gửi mẫu bệnh lên Trung tâm bệnh cây nhiệt đới (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) để phân lập, từ đó xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, các cán bộ kỹ thuật của Trạm cũng đang phối hợp với hơn 40 hộ nông dân tiến hành các thí nghiệm diện hẹp về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố như: chế độ dinh dưỡng, chân đất, giống cây, thời gian sinh trưởng... đến bệnh chảy gôm. Đồng thời sử dụng một số thuốc ứng dụng công nghệ sinh học Exin 2.0SC, Exin R để phun trừ thử nghiệm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Phòng kinh tế thị xã Tam Điệp cho biết thêm: Đào phai Đông Sơn đã từng bước đem lại hiệu quả kinh tế và trở thành cây hàng hóa có giá trị. Năm 2010, doanh thu từ cây đào phai là 2 tỷ đồng, năm 2012 là 6 tỷ đồng. Đặc biệt vừa qua 4 làng trồng đào của xã Đông Sơn đã được công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Do vậy, UBND thị xã rất quan tâm đến cây trồng này, định hướng của thị xã là sẽ xây dựng thương hiệu đào phai Tam Điệp trong thời gian tới. Để làm được điều này, trước mắt thị xã sẽ tập trung khắc phục bệnh chảy gôm nhằm giúp cho cây đào phát triển khỏe mạnh, nâng cao vẻ đẹp và giá trị của cây đào.
Phương Nam