Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Lã Tất Tố (tổ 5 phường Tân Bình), hội trưởng hội đá cảnh, gỗ lũa của thị xã phấn khởi chỉ tay khoe những tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng trăm triệu đồng của mình như bộ tứ linh, hay tác phẩm lý ngư vọng nguyệt... Cùng với những thành tích mà ông vinh dự nhận được, gồm bằng khen của Trung ương Hội Sinh vật cảnh, giấy chứng nhận đạt giải tại triển lãm sinh vật cảnh 1000 năm Thăng Long- Hà Nội... Theo lời của ông Lã Tất Tố: Tam Điệp là một mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đá hết sức phong phú như: Đá tai mèo xương hanh hốc, đá kem xốp, đá kẹp vàng, đá lũa, đá kẻ rêu núi, đá mồ côi, đá kẻ đen... vì vậy rất có tiềm năng để phát triển ngành đá cảnh. Tuy không có các loại đá quý nhưng bù lại các loại đá này có nhiều hình thù đẹp và lạ mắt. Do vậy chỉ cần nghệ nhân có chút kiến thức và con mắt nghệ thuật, nhìn ra được những hình ảnh sống động từ dáng khối của những hòn đá thì sẽ tạo ra được những tác phẩm rất có giá trị.
Ông Nguyễn Ngọc Thể cũng ở phường Tân Bình cho biết: Xuất phát từ lợi thế vườn đất rộng, ban đầu gia đình ông trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên năm 2008 ông chuyển sang phát triển sinh vật cảnh. Mới đầu chỉ là một vài cây cảnh nhỏ, sau phát triển làm gỗ lũa. Đến nay mỗi năm gia đình ông sản xuất hàng chục tác phẩm gỗ lũa và nhiều tác phẩm cây cảnh, tiểu cảnh khác với mức thu nhập ổn định 150-200 triệu đồng mỗi năm. Ông Thể chia sẻ: Điêu khắc gỗ lũa là một công việc đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự say mê. Ngoài ra, cũng cần có một số kiến thức để chọn gốc cây làm gỗ lũa. Ví dụ các loại gỗ sao, gỗ hương phải trên 100 tuổi, gỗ mít, gỗ rừng phải được 70-80 tuổi, xà cừ cũng phải trên 60 năm. Làm ra được sản phẩm gỗ lũa không giống như sản xuất đồ gỗ thông thường. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm đơn chiếc, có thời gian và cách thức làm khác nhau, không thể sản xuất hàng loạt được. Do đó có tác phẩm giá vài trăm nghìn đồng, có tác phẩm lên tới vài triệu đồng, có khi vô giá.
Nghề làm đá cảnh, gỗ lũa là một nét đẹp văn hóa đồng thời cũng là nghề sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tại Tam Điệp từ chỗ chỉ có một vài hộ nhỏ lẻ, hiện nay đã thu hút gần 20 thành viên. Các thành viên đã tự bỏ vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 50 lao động nông nhàn địa phương. Sản phẩm đa dạng: bàn nghế bằng gỗ lũa, tranh tượng, kệ cảnh, tượng nghệ thuật...
Năm 2011, được sự quan tâm hỗ trợ của thị xã, mà trực tiếp là Phòng Kinh tế, Hội đã phối hợp thực hiện đề tài "Mở rộng, phát triển nghề đá cảnh, gỗ lũa trên địa bàn thị xã Tam Điệp" nhằm đưa nghề đá cảnh gỗ lũa phát triển sâu rộng trong nhân dân, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập. Đồng thời các sản phẩm đá cảnh, gỗ lũa sẽ làm phong phú thêm dịch vụ du lịch trên địa bàn. Kết thúc đề tài đã thu hút được gần 60 hộ tham gia làm nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Nghề sinh vật cảnh phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành nghề hoạt động dịch vụ khác như làm non bộ, ang chậu cảnh, làm bể cá... cũng sẽ phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, ở Tam Điệp nói riêng và tỉnh ta nói chung hiện nay mới chỉ tập trung vào nghề trồng cây cảnh. Để các sản phẩm sinh vật cảnh có sự phong phú, đa dạng về chủng loại, số lượng và chỗ đứng trên thị trường, thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến bộ môn đá cảnh và gỗ lũa thông qua công tác đào tạo nghề, tổ chức các cuộc thi triển lãm về đá cảnh, gỗ lũa để các hội viên giao lưu trao đổi kinh nghiệm, thu thập thêm những thông tin, kiến thức về tiến bộ KHKT, về thị trường cung, cầu sinh vật cảnh của đất nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng. Qua đó phát triển các sản phẩm phù hợp với túi tiền và đón đầu thị hiếu người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu