Hiện nay trên địa bàn thị xã Tam Điệp có 233 trang trại, trong đó có 54 trang trại chăn nuôi, 126 trang trại trồng trọt, 12 trang trại nuôi trồng thủy sản và 41 trang trại tổng hợp. Cùng với phát triển công nghiệp, việc phát triển kinh tế theo mô hình trang trại hiện đang là một trong những trọng tâm trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của thị xã Tam Điệp. Điều đáng chú ý là mô hình kinh tế trang trại được phát triển ngày càng theo hướng quy mô lớn với nhiều loại cây, con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao. Mô hình kinh tế trang trại ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao, những trang trại có giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng xuất hiện ngày càng nhiều.
Ông Đinh Thế Lữ (xã Đông Sơn) là một trong những gia đình đi tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trang trại tại địa phương. Với tổng diện tích đất đấu thầu trên 2 ha, ông Lữ đã mạnh dạn vay vốn phát triển quy mô lớn diện tích cây đào phai, cây ăn quả. Vốn là một kỹ sư nông nghiệp, có kiến thức về nông nghiệp, cộng với niềm đam mê về cây ăn quả, trang trại của ông Lữ nhanh chóng phát huy hiệu quả cao. Số tiền từ bán cây đào phai, các giống cây ăn quả… đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Đến thăm trang trại chăn nuôi các loại con đặc sản của gia đình ông Phạm Huy Kỷ, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp đã làm cho mọi người không khỏi ngạc nhiên về quy mô cũng như sự ngăn nắp của mô hình. Đây là một trang trại chăn nuôi tổng hợp với các con đặc sản như: Nhím, lợn rừng, dúi… Những khu vực chuồng trại đều được xây dựng và sắp xếp ngăn nắp, gọn ghẽ, phù hợp với đặc tính của từng loại con nuôi đặc sản. Cơ ngơi trang trại có quy mô gần 10 nghìn m2, được bắt đầu phát triển từ năm 2004, bằng số vốn tự có, cộng với vay Ngân hàng Nông nghiệp cũng như bạn bè. Trong những năm qua, việc bán các loại con nuôi đặc sản đã cho ông Kỷ doanh thu bình quân mỗi năm trên một tỉ đồng, trừ chi phí lãi từ 700 đến 800 triệu đồng, trong đó lãi từ nhím từ 300 đến 400 triệu đồng. Hiện trong trang trại của ông Kỷ có 100 cặp nhím, từ 50 đến 70 con lợn rừng và 100 con dúi.
Có được mô hình kinh tế trang trại phát triển rộng khắp và ngày càng hiệu quả như ngày nay, thì ngoài việc nỗ lực, tâm huyết đổ công sức của các hộ gia đình, còn phải kể tới những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện về đấu thầu đất canh tác, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng nông nghiệp quan trọng phục vụ phát triển của tỉnh và thị xã Tam Điệp, sự vào cuộc tạo các điều kiện về vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, cây, con giống… của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể thị xã. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển mô hình kinh tế trang trại tại thị xã Tam Điệp đang bộc lộ một số khó khăn cần giải quyết trong thời gian tới như: ngăn chặn dịch bệnh đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, giải quyết nhu cầu về nguồn nước tưới tại khu vực xã Đông Sơn… Ông Lê Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Tam điệp cho biết: Để các mô hình kinh tế trang trại phát huy hơn nữa hiệu quả và phát triển theo hướng bền vững, cũng như đảm bảo lợi ích cho người làm kinh tế trang trại, thị xã đang khẩn chương tiến hành rà soát và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các hộ gia đình đạt tiêu chuẩn quy định.
Vân Anh - Đức Lam