Để việc giải phóng mặt bằng (GPMB) được diễn ra thuận lợi, thị xã Tam Điệp đã huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân. Tuy nhiên, do đặc thù của Dự án xây dựng cầu vượt đường sắt nên đến nay việc GPMB vẫn đang gặp một số khó khăn.
Huy động của cả hệ thống chính trị
Để thực hiện nhiệm vụ GPMB cho Dự án, thị xã Tam Điệp đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB do đồng chí Bí thư Thị ủy làm Trưởng ban chỉ đạo. Phân công các thành viên Ban chỉ đạo thành 4 tổ công tác, do các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy hoặc đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã làm tổ trưởng. Các tổ công tác phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ theo nhiệm vụ, chuyên môn của mình để tuyên truyền, vận động thuyết phục tại các tổ, các hội viên của mình có ảnh hưởng bởi dự án chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Ông Dương Đức Đằng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp cho biết: Thị ủy, UBND thị xã đã chỉ đạo các cấp, các ngành của thị xã, huy động cả hệ thống chính trị của thị xã cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước để Dự án được triển khai thuận lợi. Chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ thị xã phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, phúc tra lại quy trình, giải quyết, kiến nghị của các hộ theo thẩm quyền.
Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là phần lớn các hộ dân đề nghị giải quyết những kiến nghị nằm ngoài chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước như: đề nghị Nhà nước làm đường gom dân sinh trước mới thi công cầu vượt; do Nhà nước làm cầu vượt nên giá trị đất, tài sản của các hộ bị mất giá trị, đề nghị Nhà nước có chính sách đền bù thỏa đáng; đề nghị Nhà nước đền bù diện tích đất lưu không mà các hộ đang sử dụng; đề nghị Nhà nước hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống trong thời gian thi công cầu vượt…Vì vậy, trong quá trình triển khai công tác GPMB, mặc dù thị xã đã vào cuộc rất tích cực nhưng nhiều hộ vẫn chưa chấp hành chủ trương của Nhà nước, cố tình ngăn cản, phong tỏa không cho chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thi công công trình trong phạm vi đất Nhà nước quản lý đã được bàn giao.
Mới đây, ngày 19-3, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 345/CĐ-TTg yêu cầu thực hiện bảo vệ thi công và đẩy nhanh công tác GPMB tiểu Dự án này. Công điện nêu rõ: Để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 12-2014, sớm khắc phục điểm đen về ùn tắc, mất an toàn giao thông và bảo đảm hiệu quả đầu tư của tiểu dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình triển khai ngay công tác bảo vệ thi công; đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho Tiểu dự án trước ngày 5-4-2014. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác GPMB, khẩn trương chỉ đạo việc thi công công trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị thống nhất các phương pháp GPMB Tiểu dự án nút giao thông giữa đường sắt Bắc- Nam và Quốc lộ 1A. Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thị xã Tam Điệp đã nhanh chóng phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh triển khai việc soạn thảo bộ tài liệu trả lời các câu hỏi của người dân về chế độ, chính sách và pháp luật hiện hành liên quan đến việc GPMB. Bên cạnh đó, thị xã đã tổ chức họp Ban chỉ đạo và các thành viên trong Hội đồng GPMB đánh giá lại các công việc đã thực hiện trong thời gian qua, rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa được. Phân công lại nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm cho từng thành viên. Tổ chức đợt cao điểm để tuyên truyền, vận động nhân dân, tăng cường đối thoại theo nhóm và vận động cá biệt, tập trung vào vận động các hộ là cán bộ, đảng viên đi đầu gương mẫu để nhân dân noi theo. Đồng thời rà soát lại các chế độ, chính sách, đảm bảo đúng, đủ và có lợi nhất cho nhân dân theo đúng quy định của Nhà nước.
Đặc biệt, từ ngày 29 đến 30-3, thị xã đã tổ chức đối thoại với các hộ dân trong diện GPMB ở 2 phường Nam Sơn và Tây Sơn. Hội nghị đối thoại có mời các sở, ngành liên quan như: Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra… để các cơ quan chuyên môn giải thích rõ với nhân dân những vấn đề còn khúc mắc. Qua hội nghị đối thoại, nhiều hộ dân đã hiểu hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình, đồng tình và chia sẻ với Nhà nước khi thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.
Những việc cần làm ngay
Mặc dù thị xã, phường và các ngành, các đơn vị liên quan đã vào cuộc tích cực để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, giải thích về phương pháp tính toán, áp dụng đơn giá, chế độ, chính sách hiện hành được quy định cho công tác GPMB thực hiện Dự án; đề xuất với tỉnh kịp thời điều chỉnh đơn giá, vận dụng chế độ chính sách để đảm bảo quyền lợi chính đáng theo quy định cho các hộ dân bị ảnh hưởng, song đến nay một bộ phận người dân vẫn chưa đồng thuận.
Tại Thông báo số 16/TB-UBND, ngày 26-3-2014 thông báo kết luận của UBND tỉnh tại Hội nghị thống nhất các phương pháp GPMB tiểu dự án nút giao thông giữa đường sắt Bắc- Nam và Quốc lộ 1A, UBND tỉnh đã nêu rõ: Trong thời gian qua, mặc dù Thị ủy, UBND thị xã Tam Điệp, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các giải pháp GPMB nhưng kết quả chưa cao, hầu hết các hộ dân chưa nhất trí với phương án đền bù GPMB, đã cản trở thi công nên đơn vị thi công không triển khai xây dựng cầu trên phần đất Nhà nước quản lý đã bàn giao cho chủ đầu tư.
Nguyên nhân chủ yếu là dân chưa đồng tình vì cho rằng xây dựng cầu vượt sẽ ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội đồng GPMB kiểm đếm, tính toán áp giá chưa khoa học, chưa đầy đủ, công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu sát, chưa hiệu quả; người dân chưa đồng thuận cao, còn một số ý kiến, trong đó có kiến nghị khó giải quyết; chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa tích cực phối hợp với địa phương trong công tác GPMB, chưa có phương án bảo vệ thi công trên phần đất Nhà nước quản lý đã bàn giao.
Để khắc phục tình trạng trên và triển khai thực hiện GPMB Tiểu dự án đúng tiến độ yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tế, UBND tỉnh yêu cầu: Thị xã Tam Điệp chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc rà soát lại quy trình, phương pháp, chính sách, chế độ thực hiện công tác GPMB dự án nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng luật, đúng trình tự, đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của dân nhưng không nằm ngoài quy định; kiểm tra rà soát lại kết quả kê khai, kiểm đếm theo những đề nghị của một số hộ dân, giải đáp những thắc mắc của nhân dân.
Báo cáo Thị ủy, UBND thị xã Tam Điệp để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc có hiệu quả, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của Dự án trọng điểm quốc gia và lợi ích của Dự án đối với sự phát triển kinh tế- xã hội. Thông báo, công khai phương án và tăng cường đối thoại với nhân dân về các quy định, chế độ, chính sách, đơn giá có liên quan đến công tác GPMB để thực hiện dự án bằng nhiều hình thức cụ thể, phù hợp.
Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục đối thoại, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước để nhân dân đồng tình ủng hộ. Cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu cho Tổ công tác của tỉnh, Ban chỉ đạo GPMB của thị xã, các cán bộ làm công tác GPMB trong quá trình làm việc và giải thích cho nhân dân.
Chủ trì phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính và các đơn vị liên quan: Lập phương án, dự toán di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại trong công tác GPMB…theo Công điện số 345/CĐ-TTg ngày 19-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND thị xã Tam Điệp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình GPMB.
Ban Quản lý dự án An toàn giao thông (chủ đầu tư) cử cán bộ tham gia trực tiếp cùng với Hội đồng GPMB thị xã Tam Điệp để giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc. Chủ trì phối hợp với UBND thị xã Tam Điệp và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án tự bảo vệ thi công trên phần đất Nhà nước quản lý đã bàn giao. Đồng thời kiểm tra, sửa chữa mặt đường đảm bảo các tuyến đường phân luồng, đường gom đảm bảo an toàn giao thông 24/24h trong suốt quá trình thi công dự án và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để sẵn sàng thi công ngay sau khi nhận được mặt bằng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường hơn nữa công tác dân vận, quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, tuân thủ quy định về giờ giấc để đáp ứng tiến độ yêu cầu của Dự án.
Bài, ảnh: Bảo Yến