Thị xã Tam Điệp hiện có 24,7km đê sông con (trong đó có 3km đê cấp IV và 21,7 km đê cấp V). Hệ thống đê đã được tu bổ, bồi trúc, nên độ vững chắc khá ổn định. Hệ thống rãnh, cống thoát nước tại các tuyến đường chính trên địa bàn đang được xây dựng để khắc phục tình trạng ách tắc gây ngập úng cục bộ. Suối Tam Điệp với tổng chiều dài gần 2.000 m, dòng chảy tuy đã được khơi thông, song vẫn còn tình trạng lấn chiếm dòng chảy ở đầu nguồn.
Suối Đền Rồng có tổng chiều dài gần 7.000 m, dòng chảy lớn, phức tạp thường gây ra ngập úng cục bộ sau các trận mưa lớn. Hệ thống đường chống lũ quét dài 10,5 km đã được rải nhựa và đổ bê tông. Đường nội thị và đường giao thông ở các xã về cơ bản đã được rải vật liệu cứng, song do địa hình dốc nên mùa mưa bão vẫn thường xuyên bị sạt lở cục bộ. Với phương châm: "Chủ động phòng là chính, chống phải tích cực ngay từ đầu, giải quyết hậu quả phải tập trung, khẩn trương", thị xã đã yêu cầu các cấp, các ngành , các đơn vị có liên quan như: Ban Chỉ huy quân sự thị xã, Chi nhánh điện, bưu điện thị xã, các xã, phường… phải có chương trình, kế hoạch dài hạn về công tác PCLB. UBND thị xã đã tham mưu cho các địa phương chuẩn bị tốt các mặt bảo đảm "4 tại chỗ" (vật tư, nhân lực, hậu cần, chỉ huy tại chỗ), đảm bảo an toàn về người, và tài sản của Nhà nước và nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Trường hợp có bão lũ phải giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhanh chóng khắc phục hậu quả bão, lụt, khôi phục các hoạt động sản xuất. Nếu có áp thấp hoặc bão từ cấp 7 trở lên kèm theo có mưa to phải sơ tán nhân dân ở những vùng trọng điểm như: Vùng ngoài đê sông Ghềnh, sông Do, hạ lưu hồ Mang Cá.
Chú ý sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng như: Trường học, trạm y tế, kho tàng, công sở, nhà ở của nhân dân đã xuống cấp. Đặc biệt ưu tiên tới các gia đình chính sách, gia đình nghèo, neo đơn. Xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, an toàn hệ thống lưới điện. Đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, đập, chống chịu được so với lũ lịch sử năm 1985 và lũ thiết kế. Chủ động tiêu úng nội đồng với 100% máy bơm hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Đức Sơn, chuyên viên Phòng kinh tế thị xã cho biết:Về cơ bản công tác tu bổ đê điều và các công trình PCLB trên địa bàn thị xã đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, trên địa bàn thị xã vẫn còn hai đoạn đê xung yếu (thuộc đê Bến Đang), đoạn 1 từ tổ 12 - phường Tân Bình lên lò vôi với chiều dài 1,2 km; đoạn 2 là đoạn đê kênh hướng dòng trạm bơm Sơn Đông khoảng 500 m. Hai đoạn đê trên, cao trình đỉnh đê không đảm bảo chống lũ cần được tôn cao, áp trúc mặt đê. Sau khi kiểm tra, tỉnh đã có ý kiến, trước mắt cho tôn cao để chống lũ, nhưng thực tế việc làm này triển khai còn chậm, cần sự quan tâm để đầu tư dứt điểm theo kế hoạch đảm bảo đưa công trình phục vụ việc chống lũ trong mùa mưa lũ năm 2009.
Chính quyền các cấp và nhân dân sống ven đê cần nâng cao trách nhiệm không để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm trên mái đê, dọc theo chân đê và các vụ vi phạm trong lòng sông gây cản trở việc thoát lũ khi xảy ra mưa to. Vì vậy, chính quyền các xã, phường cần phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, phát hiện kịp thời các sự cố hư hỏng, chủ động khắc phục, tu bổ để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra trong mùa mưa bão.
Bài, ảnh: Khánh Vân