Vì sao sữa ngoại có giá cao?
Bước vào các cửa hàng bán các sản phẩm sữa trên địa bàn thành phố Ninh Bình như Năng Thơ, Hà Phương, Thanh Vân…, người tiêu dùng có thể nhanh chóng bị hút bởi các sản phẩm sữa ngoại được bày la liệt và bắt mắt ở ngay những sạp hàng đầu tiên. Còn sản phẩm sữa nội thì được bày khiêm tốn ở tít phía trong với một diện tích rất nhỏ. Phải quen thuộc với các sản phẩm sửa nội thì người tiêu dùng mới có thể tìm được mà không cần đến sự chỉ dẫn của nhân viên bán hàng. Chị Hồng, nhân viên bán hàng của một đại lý trên đường Trần Hưng Đạo cho biết: Các hãng sữa ngoại như Hàn Quốc, Mỹ, New zealand… được các nhà phân phối chi tiền để mua những vị trí đẹp trong cửa hàng, còn những hãng sữa nội không trả tiền cho việc trưng bày, tiếp thị nên các cửa hàng đều trưng bày ở bên trong".
Cùng với việc được nhà phân phối chi tiền để được trưng bày ở các vị trí đẹp tại các đại lý thì sản phẩm sữa ngoại cũng có phần trăm cho các đại lý lớn hơn và nhiều "chiêu" khuyến mại để câu khách. Chính vì vậy, cả người bán và người mua đều bị cuốn theo những lợi ích trước mắt mà các hãng sữa ngoại mang lại. Chị H, từng là nhân viên bán hàng cho một đại lý sữa lớn ở thành phố Ninh Bình cho biết: Chỉ tính riêng giá trị các sản phẩm trong chương trình khuyến mại của các hãng sữa ngoại mà đại lý bán hàng thu được đã lớn hơn gấp mấy lần so với tiền phần trăm mà các hãng sữa ngoại cắt lại cho đại lý. Bên cạnh đó, các nhà phân phối sữa ngoại cũng có chương trình chăm sóc khách hàng rất tốt. Chiến dịch quảng cáo rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo ngoài trời, thậm chí len lỏi cả vào các bệnh viện, trường học… khiến người bán, người mua đều dễ bị lôi cuốn bởi các sản phẩm sữa ngoại.
Chính những khâu tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại rầm rộ trên đã khiến giá thành của các sản phẩm sửa ngoại liên tục tăng. Riêng trong năm 2013, giá các mặt hàng sữa ngoại đã tăng trung bình từ 3-5 lần, mỗi lần tăng từ 5-10%, thậm chí có mặt hàng còn tăng đến 13% như sữa Abbott của Mỹ. Việc tăng giá liên tục được các đại lý giải thích với hàng nghìn lý do: do sản phẩm đã thêm một số chất mới, do nguyên liệu đầu vào tăng, do giá xăng tăng, lãi suất ngân hàng tăng…
Thời gian qua, hàng loạt thương hiệu sữa ngoại bị người tiêu dùng tẩy chay vì nhiễm khuẩn, trong đó nghiêm trọng nhất là sữa bột của các hãng Fonterra của New Zealand, Abbott của Mỹ, Wakodo của Nhật nghi nhiễm khuẩn, nhiễm phóng xạ. Mặc dù các hãng bị thu hồi thì gặp lao đao, nhưng các hãng sữa ngoại khác không có tên trong danh sách "nhiễm khuẩn" vẫn liên tục tăng giá trên thị trường.
Cần vững tin khi chọn sữa nội
Tâm lý sính ngoại, hàng đắt là hàng tốt đã ăn sâu vào tâm lý của người tiêu dùng trong nước. Các bà mẹ xưa nay dù có thắt lưng buộc bụng vẫn phải chọn cho con sữa đắt tiền. Hơn nữa, trong lúc niềm tin với các doanh nghiệp sữa nội chưa được củng cố thì việc chọn sữa ngoại cho con vẫn được ưu tiên.
Trên thị trường hiện nay, giá của một hộp sữa nội cùng chủng loại có giá chỉ bằng 50-70% giá của sữa ngoại nhập. Ví dụ một hộp sữa 900g dành cho trẻ biếng ăn của Công ty sữa Nutifood chỉ có giá hơn 300 nghìn đồng nhưng cùng loại trên thì sữa của hãng Abbbott có giá trên 700 nghìn đồng. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi có sự cách biệt lớn về chất lượng giá sữa nội và sữa ngoại không. Chị Thủy (phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) cho biết: Trước đây, tôi cho con sử dụng các sản phẩm sữa của Vinamilk nhưng nhiều người cho rằng sữa ngoại tốt hơn và giới thiệu các sản phẩm sữa con họ đã sử dụng. Tôi cũng có ý định chuyển cho con dùng sữa ngoại nhưng khi đọc các thông số về hàm lượng chất có trong sữa thì giữa sữa nội và sữa ngoại không có mấy sự khác biệt, trong khi sữa nội có giá thành rẻ bằng một nửa sữa ngoại, nên tôi quyết định vẫn chọn sản phẩm sữa nội của các hãng có uy tín như Vinamilk, Nutifood, Dutch lady.
Chị Nguyễn Thị Giang ở phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình đang nuôi con nhỏ chia sẻ: "Tôi đọc báo và biết rằng sữa nội và sữa ngoại cùng chủng loại nhiều khi chỉ khác nhau cái vỏ, còn chất lượng bên trong là gần như giống nhau. Vì các doanh nghiệp sữa trong nước vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu, chứ ngành chăn nuôi bò sữa của chúng ta chưa cung cấp được nguyên liệu cho ngành công nghiệp sữa. Vậy thì tại sao chúng ta phải chấp nhận cho con em mình dùng sữa ngoại với giá trên trời, có khi gấp 3 lần giá thành sữa nội? Thiết nghĩ, các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước cũng nên có những động thái để đảm bảo về nguồn gốc nguyên liệu, chất lượng sản phẩm sữa khi đem ra thị trường tránh để người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng nguyên liệu nhập khẩu".
Tâm lý này của người tiêu dùng là hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề của các doanh nghiệp sữa nội là phải làm thế nào để người dân tin tưởng hơn vào quy trình sản xuất khoa học, bằng sự hỗ trợ của các dây chuyền sản xuất tiên tiến. Các chỉ số về vệ sinh an toàn phải được công khai và tạo ra một sự tin cậy hoàn toàn.
Thiết nghĩ, sự việc lao đao vừa rồi của nhiều hãng sữa ngoại, dù không mong muốn, nhưng nó lại chính là cơ hội vàng cho sữa nội có thể thu hút nhiều hơn sự quan tâm của khách hàng. Tuy nhiên, để có thị phần vững chắc, tạo được niềm tin tuyệt đối của người dùng, các hàng sữa nội cần làm tốt các khâu quảng cáo, tiếp thị..., trên hết là phải đảm bảo tốt chất lượng sữa.
Bài, ảnh: Bảo Yến