Theo tìm hiểu của chúng tôi tại chợ Ninh, thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh), giá thịt lợn vẫn cao ngất ngưởng. Chị Trịnh Thị Liên ở thị trấn Yên Ninh cho biết: Qua nghe thời sự được biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết giảm giá thịt lợn xuống mức 70.000 đồng/kg, góp phần giảm chi tiêu cho người dân trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng thực tế hiện nay giá thịt lợn tại chợ vẫn rất cao, vì vậy tôi phải tính toán chi li để đảm bảo chi tiêu trong gia đình trong lúc khó khăn như hiện nay.
Tại chợ Ninh ngày 19/4, giá thịt lợn nạc, thịt ba chỉ và xương sườn ngon đồng giá khoảng từ 140.000-170.000 đồng/kg, thịt mỡ 100.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Bắc, một tiểu thương bán hàng tại chợ cho biết: Mấy ngày đầu tháng 4, giá thịt lợn có giảm đôi chút nhưng mấy hôm nay giá thịt lợn lại tiếp tục tăng, nguyên nhân là do giá lợn hơi không ngừng tăng, có ngày chúng tôi bắt với giá 90.000 đồng/kg nhưng cũng không có lợn để bắt. Vì vậy, giá lợn hơi tăng cao thì việc giá thịt lợn giảm là điều không thể có được.
Còn tại chợ 5 tầng Nhà máy điện (thành phố Ninh Bình), theo tìm hiểu của chúng tôi thì sức tiêu thụ thịt lợn có giảm đôi chút, biểu hiện ở việc một vài tiểu thương đã nghỉ bán vì không bắt được lợn cũng như lượng mua của người dân đã giảm hơn, thay thế những thực phẩm khác trong bữa cơm hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Hiền ở phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình cho biết: Trước thực tế giá thịt lợn tăng cao, tôi đã chuyển sang lựa chọn những thực phẩm khác để bổ sung dinh dưỡng cho gia đình đảm bảo sức khỏe phòng, chống dịch COVID-19. Theo khảo sát của chúng tôi tại chợ, giá các loại thủy, hải sản như sau: giá tôm dao động ở mức 200.000 - 230.000 đồng/kg, cá trắm từ 50.000-60.000 đồng/kg, mực từ 100.000-200.000 đồng/kg tùy loại. Ngoài ra, giá thịt gia cầm cũng có mức thấp hơn so với trước như thịt vịt hơi giá 40.000 đồng/kg, ngan giá 60.000 đồng/kg, thịt gà dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg.
Tìm hiểu nguyên nhân khiến giá thịt lợn vẫn cao hơn nhiều so với giá lợn hơi, nhiều tiểu thương cho biết, do số lượng lợn thịt xuất chuồng hạn chế, thương lái khó tiếp cận được nguồn hàng. Nguồn cung trong các hộ chăn nuôi giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù tỉnh ta đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn còn dè dặt trong việc tái đàn hoặc chuyển sang chăn nuôi các con nuôi khác. Tuy nhiên, việc khôi phục đàn lợn cần có thời gian, không thể một sớm một chiều là được. Có ý kiến khác cho rằng, chính khâu chi phí trung gian (phân phối, vận chuyển, giết mổ) đã đẩy giá thịt lợn lên cao. Vì vậy, người tiêu dùng cũng phải chịu một phần chi phí trong khâu trung gian nên giá thịt lợn đến người tiêu dùng mới có giá cao như thế.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm cho tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh ta giảm mạnh. Nhiều hộ chăn nuôi đang để trống chuồng hoặc chuyển sang chăn nuôi gia cầm khá nhiều. Trong quý I/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh còn hơn 238,6 nghìn con, giảm 37,9% so với quý I năm trước.
Như vậy, cùng với những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc bình ổn giá, giảm giá lợn hơi xuống thấp hơn mức 70.000 đồng/kg, từ quý II, giá lợn hơi vẫn tiếp tục xu hướng tăng, ngày càng đi ngược mục tiêu đề ra của cơ quan quản lý và kỳ vọng của người tiêu dùng. Cùng với việc, các công ty chăn nuôi cam kết kéo giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg không đủ sức kéo mặt bằng giá lợn hơi trên thị trường, thậm chí thị trường giá thịt lợn còn tăng không kiểm soát được.
Vì vậy, cùng với việc các bộ, ngành, các doanh nghiệp cam kết tìm giải pháp giảm giá thịt lợn thì người tiêu dùng cũng nên cân nhắc việc lựa chọn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, có thể thay thế những thực phẩm khác để hạn chế lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường, giảm gánh nặng chi tiêu trong từng gia đình, để người người, nhà nhà cùng chung sức, đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Bài, ảnh: Tiến Đạt