Đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, thị trấn Yên Thịnh chính thức được thành lập từ ngày 1/8/1997. Sau khi được điều chỉnh về địa giới hành chính với xã Yên Phú và một phần xã Khánh Thịnh, thị trấn Yên Thịnh có trên 763 ha diện tích tự nhiên, có hơn 2.600 hộ với gần 8.800 nhân khẩu ở 17 tổ dân phố.
Qua nhiều giai đoạn lịch sử, dù ở hoàn cảnh nào, sáp nhập hay chia tách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Yên Thịnh luôn giữ vững truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học của cha ông để nỗ lực xây dựng thị trấn ngày càng phát triển.
Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, thị trấn có hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ, chiến đấu vì Tổ quốc. Hiện thị trấn có 155 Anh hùng liệt sĩ, 2 lão thành cách mạng, 100 thương, bệnh binh, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm gia đình người có công với nước.
Với truyền thống hiếu học, thị trấn cũng có nhiều người con thành đạt, trở thành những cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và trong lực lượng vũ trang; nhiều người có học vị cao được phong danh hiệu Giáo sư, Phó giáo sư…
Tiếp nối truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Yên Thịnh đã không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị trấn, nhân dân thị trấn luôn năng động, sáng tạo, cùng đồng tâm nhất trí đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp, TTCN và dịch vụ. Năm 2016, cơ cấu kinh tế của thị trấn có bước chuyển dịch tích cực: Công nghiệp - TTCN đạt 30,14%, nông nghiệp đạt 30% và dịch vụ đạt 39,86%. Trong đó CN-TTCN và dịch vụ ngày càng phát triển cả về quy mô và giá trị. Trên địa bàn có 3 công ty may, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, buôn bán thương mại ngày một tăng, năm 1999 mới có 135 hộ, đến nay có 1.357 hộ, tăng hơn 10 lần. Giá trị sản xuất CN-TTCN và dịch vụ năm 2016 đạt 95 tỷ đồng, trong đó dịch vụ là 72 tỷ đồng, tăng 20 lần so với năm 1999. Bình quân thu nhập đầu người của thị trấn năm 2016 đạt 33,3 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân chung của toàn huyện.
Trong phát triển cơ sở hạ tầng, thị trấn đã năng động, tập trung khai thác các nguồn vốn thông qua các dự án đầu tư của Trung ương, tỉnh, địa phương và nguồn vốn đóng góp của nhân dân để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị.
Từ hệ thống giao thông đi lại hết sức khó khăn, hầu hết là đường đá cấp phối, đường nội thị, khu phố lầy lội, đến nay toàn bộ hệ thống giao thông của thị trấn đã được bê tông hóa. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2017, với phương châm nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ, thị trấn đã hỗ trợ 660 tấn xi măng, nhân dân đầu tư cát, đá, công lao động làm được 5,8km đường ngõ, phố với tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng.
Các công trình xã hội như trụ sở làm việc, trường học, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, cơ sở vật chất phục vụ văn hóa, thể thao, điện, nước sạch, vệ sinh môi trường… được thị trấn quan tâm đầu tư, xây dựng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Hiện, 5 trường học của thị trấn, gồm 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trong đó 2 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn được đầu tư cải tạo, nâng cấp, lắp đặt trang thiết bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu làm việc của cả hệ thống chính trị.
Hệ thống thủy lợi từng bước được đầu tư kiên cố, đã có trên 8km kênh mương được kiên cố, còn lại được nạo vét bằng máy, đảm bảo kịp thời tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. 100% số hộ được dùng điện sinh hoạt và sản xuất; 17/17 tổ dân phố có nhà văn hóa, khu vui chơi TDTT, hàng năm có trên 87% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 16/17 khu phố đạt văn hóa; 97% hộ dân được dùng nước máy, trên 90% hộ dân có công trình hợp vệ sinh, 75% hộ dân có nhà kiên cố; 80% người dân có thẻ BHYT, được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu…
Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị trấn là 31 tỷ đồng, trong đó ngân sách thị trấn 19 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 3 tỷ đồng, còn lại của Trung ương và của tỉnh. Cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư xây dựng đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội cũng được thị trấn quan tâm thực hiện tốt, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, tăng cường. Trong những năm qua, bằng sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay, ủng hộ của nhân dân, các nhà hảo tâm, con em quê hương thị trấn đi làm ăn xa, thị trấn đã xây mới 35 nhà, sửa chữa được 47 nhà dột nát cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở với số tiền hàng tỷ đồng; xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ thị trấn trên 2 tỷ đồng.
Đảng bộ thị trấn hiện có 637 đảng viên, trong 20 năm qua đã kết nạp được 255 đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đảng bộ thị trấn nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng thị trấn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Việt, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Thịnh cho biết: Thời gian tới, thị trấn tập trung huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho phát triển; phấn đấu đạt mức tăng trưởng khá và bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quan tâm đầu tư các lĩnh vực CN-TTCN, nông nghiệp và dịch vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đặc biệt, xác định dịch vụ là thế mạnh của thị trấn, từ đó quan tâm tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp tư nhân, HTX, các hộ kinh doanh… đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ; khuyến khích và đầu tư hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa… Tiếp tục nâng cao các hoạt động văn hóa - xã hội, thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…, phấn đấu xây dựng thị trấn Yên Thịnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Yên Mô.
Mỹ Hạnh