Cơ cấu, giá trị sản xuất tăng vọt Xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), xã Yên Thái (huyện Yên Mô) đều là những đơn vị tiêu biểu với diện mạo nông nghiệp nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng khá hoàn thiện. Các nơi này có điều kiện địa hình, sinh thái phù hợp cho phát triển nông nghiệp, người dân chịu khó, dám nghĩ, dám làm.
Tuy nhiên, có một điều khiến cấp ủy, chính quyền nơi đây trăn trở đó là sản xuất nông nghiệp của 2 xã vẫn còn nhiều hạn chế: Sản xuất manh mún, liên kết chưa chặt chẽ, các nông sản chưa sản xuất theo quy trình chuẩn nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); nông dân ít được tiếp cận với các chương trình đào tạo, chuyển giao tiến bộ KHKT.
Trước những khó khăn, hạn chế nêu trên, nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp Ninh Bình giai đoạn 2015-2020 với định hướng cơ cấu lại nông nghiệp phải đi từ cơ sở, năm 2016, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) và Yên Thái (huyện Yên Mô) đã được tỉnh chọn đi trước thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa sản xuất đảm bảo ATVSTP, đồng thời tạo mô hình mẫu để các xã khác học tập.
Kết quả, sau 2 năm triển khai, với sự tập trung quyết liệt trong công tác chỉ đạo, sự phối hợp giữa các ngành, cùng với Đảng ủy, HĐND, UBND hai xã Khánh Thành và Yên Thái, cơ cấu nông nghiệp của cả hai xã đều có sự chuyển dịch rõ nét, giá trị trên từng lĩnh vực đều tăng, cơ cấu nội bộ ngành có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản.
Về sản xuất lúa, diện tích cấy lúa của cả 2 xã đều giảm so với năm 2015. Bên cạnh đó, cơ cấu giống lúa có sự chuyển đổi rõ rệt, chuyển mạnh từ lúa lai sang lúa thuần, từ lúa thuần sang lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và thử nghiệm các giống lúa mới triển vọng, tổ chức liên kết và tiêu thụ… Phương thức gieo cấy cũng có sự chuyển đổi từ cấy sang gieo thẳng.
Ngược lại về sản xuất rau màu thì diện tích ngày càng được mở rộng, giá trị sản xuất trên 1 ha rau lên đến 400-500 triệu đồng/năm. Lĩnh vực chăn nuôi, mặc dù số hộ chăn nuôi không tăng, tuy nhiên số gia trại và trang trại tăng, có sự chuyển dịch trong phương thức chăn nuôi. Lĩnh vực thủy sản ngoài việc tăng diện tích nuôi thả thì người nuôi cũng đã quan tâm đầu tư theo hướng tập trung, đưa các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất theo hướng thâm canh, an toàn.
Đặc biệt, hai xã đã xây dựng và được chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện xã ATVSTP trong lĩnh vực chăn nuôi, đồng thời toàn bộ diện tích sản xuất, trồng trọt cũng đạt và được chứng nhận vùng sản xuất trồng trọt đủ điều kiện an toàn. Thậm chí, ở Khánh Thành có tới 3 vùng lúa vietGap, 1 vùng rau VietGap; Yên Thái 4 vùng lúa an toàn, 3 vùng màu an toàn, 1 vùng rau VietGap.
Song song với đó, công tác xúc tiến thương mại được tăng cường, đã tiến hành cấp mã Code để truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm rau cải bó xôi và lặc lày; kết nối tiêu thụ sản phẩm rau, đậu xanh, lạc giống, lúa nếp,…với một số đơn vị, doanh nghiệp. Ngoài ra, các hình thức tổ chức sản xuất cũng có nhiều đổi mới với các hoạt động dịch vụ đa dạng, hiệu quả.
Tất cả những thay đổi trên đã tạo cho giá trị sản xuất nông nghiệp ở hai xã tăng vọt chỉ sau 2 năm. Năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác của xã Khánh Thành đạt 139 triệu đồng/ha/năm (tăng 24 triệu đồng so với năm 2015), xã Yên Thái đạt 126 triệu đồng/ha/năm (tăng 13,6 triệu đồng so với năm 2015), trong khi đó bình quân chung toàn tỉnh năm 2017 mới đạt 115 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên hơn cả những con số, nhận thức của người dân được nâng cao, không chỉ nâng cao trình độ sản xuất mà còn nâng cao về nhận thức là phải sản xuất đảm bảo an toàn cho cả người sản xuất, người sử dụng và môi trường sinh thái. Nâng cao nhận thức về độ nhạy bén trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ... đó chính là tiền đề cho một nền nông nghiệp bền vững.
Tiếp tục nhân rộng ra 13 xã
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2018-2019, Ninh Bình sẽ tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp cấp xã tại xã Khánh Thành, Yên Thái theo hướng nâng cao trình độ, quy mô, chất lượng tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, triển khai nhân rộng mô hình cơ cấu lại nông nghiệp cấp xã tại 13 xã của 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, bao gồm xã Đồng Phong, Văn Phong (huyện Nho Quan), xã Gia Phương, Gia Phong (huyện Gia Viễn), xã Trường Yên, Ninh Hòa (huyện Hoa Lư); xã Yên Từ, Yên Hòa (huyện Yên Mô); xã Khánh Nhạc, Khánh Thủy (huyện Yên Khánh), xã Đồng Hướng, Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn), xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp).
Mục tiêu chung là sản xuất đảm bảo ATTP đồng hành với giá trị và hiệu quả kinh tế, sản phẩm có sức cạnh tranh, giá bán tốt hơn trên thị trường; nâng cao thu nhập cho người nông dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ và chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Để đạt được mục tiêu trên, một trong những giải pháp trước tiên đó là phải rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất cấp xã phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp trên cơ sở xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của từng xã, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh và Kế hoạch 36 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững. Sau đó, mỗi xã thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2018-2019 cũng cần có đề án cơ cấu lại nông nghiệp cấp xã được UBND huyện, thành phố phê duyệt.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Trên cơ sở thực tế, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, Sở sẽ hướng dẫn 13 xã tiếp theo triển khai, xây dựng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đảm bảo các nội dung về nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo ATTP; phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình điểm; phát triển các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ….
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chương trình cử cán bộ, kỹ sư có trình độ cao đi cơ sở, từ đó hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, HTX nông nghiệp thay đổi tập quán canh tác, triển khai sản xuất hợp lý, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Đồng thời, đơn vị cũng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quy hoạch, nhất là quy hoạch phương án sử dụng đất, phương án sản xuất để có điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo thành công, UBND các huyện, thành phố phải đóng vai trò chủ thể và cần vào cuộc tích cực cũng như có những chính sách hỗ trợ thích hợp cho các xã thực hiện thí điểm của địa phương mình.
Hà Phương