Tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), ngồi bên giường bệnh của chồng là ông Trần Quốc Huy, bà Mai Thị Khuyên (xóm 9, xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn) chia sẻ: Chồng tôi bị suy thận đã 6 năm, 3 năm nay phải chạy thận nhân tạo. Mỗi tuần 3 buổi chạy thận, 1 tháng là 12 buổi, mặc dù đã có bảo hiểm y tế nhưng riêng phần đồng chi trả cộng với tiền ăn uống, đi lại, mỗi tháng cũng mất hơn 2 triệu đồng. Với nhà nông, đây là số tiền lớn nên mỗi lần đi viện là một lần bà Khuyên phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn. ở nhà, ngoài làm nông nghiệp, bà Khuyên còn đan hàng cói, vừa việc nhà vừa làm cũng được 20.000 đồng/ngày. Vào viện chăm chồng, bà cũng phải mang theo cói để đan lúc rảnh rỗi với mong muốn có thêm "đồng ra, đồng vào". Ban đầu, nhân viên y tế đi kiểm tra không đồng ý, nhưng khi hiểu hoàn cảnh của gia đình bà, mọi người đều thông cảm để bà tiếp tục làm… Trong đợt thăm và hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại một số bệnh viện trong tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Công ty Prudential đã hỗ trợ viện phí cho 70 trường hợp với tổng số tiền là 35 triệu đồng. Tuy nhiên, những trường hợp được hỗ trợ cũng chỉ là số ít trong tổng số bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, sau 4 năm thực hiện Luật BHYT, đến nay trên địa bàn tỉnh có 620.734 người tham gia BHYT, chiếm 66,8% dân số. Trong đó, hộ cận nghèo có 44.077 người có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 100%; người nghèo, dân tộc thiểu số có 44.077 người có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 100%. Để ngày càng có thêm nhiều người tham gia BHYT, được sự quan tâm của tỉnh, BHXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đóng BHYT cho hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối tượng thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên mà chưa có thẻ BHYT. Do đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 100% đối tượng người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, 100% đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được ngân sách tỉnh cấp kinh phí mua thẻ BHYT. Hàng năm, có tới hàng triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được quỹ BHYT chi trả từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, góp phần làm giảm gánh nặng tài chính cho người nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi… Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị Tuất ở xã Lưu Phương (huyện Kim Sơn) được quỹ BHYT chi trả 311,4 triệu đồng, ông Phạm Khắc Bính ở xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) được quỹ BHYT chi trả 337,2 triệu đồng, ông Lương Quang Việt thuộc Công ty cổ phần nhiệt điện Ninh Bình được chi trả 240,8 triệu đồng…
Qua thống kê cho thấy, số lượt người đi khám, chữa bệnh và số tiền chi trả từ quỹ BHYT hàng năm đều tăng: Năm 2011 có 1.401.642 lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT, quỹ BHYT chi trả 262.362 triệu đồng; Năm 2012 có 1.337.918 lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT, quỹ BHYT chi trả 300.164 triệu đồng; năm 2013 có 1.333.867 lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT, quỹ BHYT chi trả 320.633 triệu đồng; Năm 2014 có 1.467.181 lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT, quỹ BHYT chi trả 350.000 triệu đồng.
Tuy nhiên, với nhiều người bệnh thuộc đối tượng hộ cận nghèo, nhất là người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính, mặc dù được sự hỗ trợ từ quỹ BHYT nhưng thực tế những chi phí đi kèm khi khám, chữa bệnh như: phần đồng chi trả, chi phí ăn uống, đi lại…vẫn là khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của người bệnh thuộc hộ cận nghèo, dự án "Hỗ trợ y tế các tỉnh đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng" năm 2014 nhằm mục đích cải thiện tiếp cận của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng có điều kiện kinh phí khó khăn trong vùng dự án tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, chống quá tải bệnh viện, hướng tới chính sách quốc gia BHYT toàn dân. Nội dung của dự án tập trung vào việc hỗ trợ kinh phí phần cùng chi trả của bệnh nhân thuộc hộ cận nghèo điều trị nội trú và ngoại trú đi khám chữa bệnh đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trong dự án (trừ trường hợp cấp cứu). Mức hỗ trợ khi có cùng chi trả lớn hơn 500.000 đồng/đợt điều trị; mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/đợt; không giới hạn số đợt điều trị/năm. Thời gian thực hiện dự án từ ngày 1-1-2015, Ban quản lý dự án tỉnh ký thỏa thuận với Ban quản lý quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo tỉnh và bệnh viện để chuyển tạm ứng cho các bệnh viện thực hiện chi trả cho đối tượng thụ hưởng. Dự án được triển khai sẽ là cơ hội để nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt khó khăn khi đi khám, chữa bệnh. Đồng thời, việc triển khai dự án cũng là dịp để các cơ sở y tế, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sự cần thiết nên tham gia BHYT nhằm chia sẻ trách nhiệm cộng đồng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phan Hiếu