Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, hiện nay, qua khảo sát trên địa bàn tỉnh, cùng với xuất khẩu lao động, chương trình du học nghề đang có xu hướng tăng dần, thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, sinh viên. Hiện nay, ở tỉnh ta, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực xuất khẩu lao động đang triển khai chương trình du học nghề tại các nước như CHLB Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Không chỉ được đào tạo những nghề hợp với xu thế, mà trong quá trình tham gia du học nghề, các du học sinh sẽ được nhận nhiều sự hỗ trợ khác.
Cụ thể, tại CHLB Đức, người đi du học nghề sẽ được hưởng trợ cấp học nghề khoảng 17-27 triệu đồng. Còn tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, người đi du học nghề sẽ được hỗ trợ tìm việc làm thêm trong quá trình học nghề với mức thu nhập khoảng 24-30 triệu đồng/tháng.
Quan trọng nữa, thông qua chương trình này, người đi du học nghề vừa có thu nhập, vừa được tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tính riêng từ năm 2017 đến tháng 8/2018, toàn tỉnh có 236 người đi du học nghề.
Tuy nhiên, mặc dù đang là xu hướng mới trong công tác xuất khẩu lao động, song trên thực tế, số lượng người tham gia du học nghề ở tỉnh ta được đánh giá là vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Theo lý giải của lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để đi du học nghề, ngoài việc đáp ứng yêu cầu về trình độ, ngoại ngữ, sức khỏe…, người du học nghề phải có đủ năng lực tài chính. Vì mức phí đi du học nghề tại CHLB Đức là khoảng 480 triệu đồng, du học nghề Nhật Bản là 250 triệu đồng, du học nghề Hàn Quốc là 250 triệu đồng…, đây đều là những khoản tiền khá lớn, không có nhiều đối tượng đủ năng lực để tham gia. Nhằm "gỡ khó" cho những người có nhu cầu du học nghề, hướng tới từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 27/ĐA-UBND ngày 22/11/2018 về bổ sung hình thức chính sách du học nghề vào Đề án số 12/ĐA-UBND ngày 20/6/2017 của UBND tỉnh về xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Bình.
Theo Đề án mới được bổ sung, các đối tượng tham gia du học nghề sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, vay vốn du học nghề. Đối tượng thụ hưởng bao gồm học sinh, sinh viên, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng; người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất, người thuộc hộ gia đình thuộc diện khó khăn; thuộc hộ gia đình tại 55 xã đặc thù trong tỉnh…
Các đối tượng sẽ được ưu tiên hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, hỗ trợ vốn vay với mức hỗ trợ học tiếng tối đa là 30 triệu đồng, hỗ trợ vốn vay tối đa là 100 triệu đồng. Các chính sách sẽ được triển khai thực hiện trong các năm 2019, 2020 sau khi Đề án này được HĐND tỉnh phê duyệt. Để các chính sách này kịp thời đến với các đối tượng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề… thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng đến các em học sinh, sinh viên.
Là một trong những địa chỉ đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Ngọc Vũ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện, Xây dựng Việt-Xô đánh giá cao sự kịp thời, thiết thực của các chính sách hỗ trợ du học nghề.
Ông Phạm Ngọc Vũ cho biết, những năm qua, nhà trường luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại, đào tạo được đội ngũ thợ có tay nghề cao không chỉ phục vụ nhu cầu tuyển dụng của các công ty trong nước mà còn ở thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhà trường trở thành điểm sáng của tỉnh nói riêng và trong hệ thống các trường cao đẳng nghề nói riêng của cả nước về lĩnh vực hợp tác quốc tế, tư vấn xuất khẩu lao động cho học viên.
Tính đến thời điểm này, nhà trường đã đưa trên 1.000 học viên đi lao động tại nước ngoài dưới hình thức thực tập sinh. Theo đánh giá phản hồi từ các doanh nghiệp Nhật Bản- nơi mà học viên của nhà trường tham gia lao động, học tập thì chất lượng của nguồn lao động này đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, thậm chí lao động ở một số ngành kỹ thuật như Hàn công nghệ cao còn được đánh giá cao về trình độ tay nghề.
Đổi lại, đối với mỗi học viên, khi được làm việc ở môi trường công nghệ cao thì ngoài nguồn thu nhập cao và ổn định theo đúng cam kết ban đầu thì người lao động còn được cọ xát, tiếp thu kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật mới nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho bản thân…
Hiệu quả thiết thực, tuy nhiên, số học sinh đi xuất khẩu lao động, du học nghề vẫn chưa xứng với tiềm năng, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lớn. Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ rất thiết thực của tỉnh, hy vọng rằng sẽ có nhiều em có cơ hội để thực hiện ước mơ đi lao động xuất khẩu của mình.
Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ này không chỉ mở ra cơ hội đối với các sinh viên, người lao động mà quan trọng nữa là hướng tới các đối tượng là các em học sinh tốt nghiệp THPT. Đây sẽ trở thành một hướng nghiệp mới đối với các em học sinh THPT ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ông Trần Văn Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Gia Viễn khẳng định, khi chính sách mới này được ban hành, đi vào cuộc sống sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các em học sinh trong việc lựa chọn nghề phù hợp với xu thế ở một môi trường đào tạo chuyên nghiệp, hiện đại.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các buổi tư vấn, tọa đàm nhằm trực tiếp tuyên truyền, phổ biến chính sách du học nghề tới đông đảo học sinh và phụ huynh trong nhà trường.
Nguyễn Hùng