Tuần qua, trong khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) để tuyên truyền, yêu cầu phía Trung Quốc chấp hành quy định của pháp luật quốc tế, thì các tàu hộ tống của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 đã liên tục áp sát các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam; và xuất hiện máy bay tuần thám tuần tiễu của Trung Quốc trên không phận biên đội tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngày 17/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã chủ trì tổ chức buổi họp mặt thường kỳ giữa Nhóm các Đại sứ châu Á - Thái Bình Dương (SAFE-SEA) với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Didier Reynders. Tại buổi họp, các Đại sứ bày tỏ sự quan tâm đến căng thẳng ở Biển Đông, mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS, nhằm bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.
Trong khi đó, tờ "The Australian" số ra ngày 17/6 đăng bài của Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị với tiêu đề "Luật Biển và giới hạn hành xử của các nước", khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động khiêu khích, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được ấn định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002, đe dọa tự do hàng hải, hòa bình và an ninh khu vực.
Cũng trong tuần, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên UNCLOS đã nhấn mạnh: Được coi là "Hiến chương về đại dương", Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là thành quả của những nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế hợp lý và công bằng cho việc sử dụng, khai thác, quản lý và phát triển bền vững biển và đại dương. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam hiểu rõ và đánh giá cao tầm quan trọng của Công ước. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước ngay trong ngày đầu tiên Công ước được mở ký. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng để tuân thủ các quy định của Công ước Luật Biển, trong đó có việc ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định, chiểu theo các điều khoản của UNCLOS 1982, các hành động của Trung Quốc trong thời gian qua đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước và đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Các hành vi này do vậy đã vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, đồng thời đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là thành viên cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc. Các hành vi này đang gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế, xói mòn niềm tin giữa Việt Nam và Trung Quốc và gây tác hại tới mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Ngoài ra, điều liên quan trực tiếp đến Cuộc họp các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển là việc 2/3 thương mại đường biển toàn cầu đi qua Biển Đông và tình hình nói trên có những hệ lụy quan trọng đối với tính toàn vẹn và việc thực thi Công ước Luật Biển.
Ngày 21/6, gần 100 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đến từ Mỹ, Nga, Pháp, Bỉ, Canada, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines..., tham dự buổi tọa đàm về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 đều khẳng định hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đã phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhiều ý kiến đánh giá cao sự kiên trì và thiện chí của Việt Nam nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, đồng thời cho rằng với việc Trung Quốc bất chấp những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam cũng như sự bất bình của cộng đồng quốc tế, không rút giàn khoan và dừng các hoạt động phi pháp của mình, đã đến lúc Việt Nam cần sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Diễn biến "nóng" trên chính trường Iraq
Tuần qua, Iraq liên tục phải chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh với phiến quân Hồi giáo. Căng thẳng tăng cao tại Iraq khi lực lượng nổi dậy tự xưng Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant (ISIL) đánh chiếm các thành phố và tiến gần tới thủ đô Baghdad. Ngược lại, lực lượng không quân Iraq đã không kích nhiều vị trí của phiến quân nằm gần biên giới với Syria, tiêu diệt hàng nghìn tay súng và phá hủy hàng trăm xe.
Ngày 16/6, Tòa án Hiến pháp Iraq đã chính thức phê chuẩn kết quả bầu cử Quốc hội đánh dấu bước tiến đầu tiên nhằm xây dựng một chính phủ mới ở Iraq.
Ngày 19/6, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã ra lệnh cho các nhân viên an ninh nhập ngũ trở lại để tăng cường cho các lực lượng đang chiến đấu chống lại cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo chiếm giữ những vùng lãnh thổ rộng lớn. Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cam kết "đương đầu với chủ nghĩa khủng bố" đồng thời khẳng định lực lượng an ninh nước này đã phải rút lui song không thất bại.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 19/6 khẳng định sẵn sàng cử 300 cố vấn quân sự đến Iraq cũng như áp dụng các hành động quân sự "trúng đích" và "chính xác" nếu cần thiết để chống lại các chiến binh Sunni cực đoan. Ngày 20/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra cảnh báo rằng, dù có bao nhiêu hỏa lực của Mỹ đi nữa cũng không thể khiến Iraq đoàn kết nếu giới lãnh đạo chính trị nước này không loại bỏ chủ nghĩa bè phái và làm việc để đoàn kết đất nước.
Ngày 20/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia David Johnston xác nhận một "đơn vị liên lạc" nhỏ thuộc Lực lượng quốc phòng Australia (ADF) đã được triển khai tới bảo vệ đại sứ quán nước này ở Iraq.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki trong cuộc chiến chống các chiến binh Thánh chiến Hồi giáo vốn đang hoành hành tại quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo rằng các cuộc không kích quân sự nhằm vào phiến quân Hồi giáo dòng Sunni tại Iraq có thể sẽ không hiệu quả và phản tác dụng, đồng thời hối thúc các phe phái đối đầu tại nước này đoàn kết để chiến đấu chống lực lượng khủng bố đã chiếm giữ một khu vực rộng lớn của Iraq.
Căng thẳng tại Ukraine chưa lắng dịu
Ngày 18/6, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko rằng, Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh nhằm "buộc Nga phải trả giá thêm" nếu Moskva không sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để chấm dứt tình trạng bạo lực ly khai ở miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, ngày 19/6, Nga đã cáo buộc Phương Tây đang âm mưu phá hoại dự thảo nghị quyết mới nhất của Moskva về Ukraine. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga Alexander Drobyshevsky dẫn các số liệu chính thức cho biết gần 19.000 người Ukraine đã chạy tị nạn sang Nga.
Trong cuộc gặp đại diện chính quyền hợp pháp các tỉnh Donetsk và Lugansk, ngày 19/6, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đưa ra kế hoạch hòa bình để giải quyết tình hình tại miền Đông nước này.
Ngày 21/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết phần lớn các điểm của bản kế hoạch hòa bình do Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko đề xuất mang màu sắc của một tối hậu thư, không có điều cốt yếu là đề xuất đối thoại và điều này đi ngược lại thỏa thuận Geneva ngày 17/4. Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ quan ngại về việc đồng thời với việc công bố kế hoạch hòa bình, chiến dịch quân sự vẫn được đẩy mạnh, trong đó có một vụ nổ súng ở biên giới Nga, khiến phía Moskva cũng có người bị thương. Ông cũng nêu rõ trước đó các nước phương Tây đã nhận trách nhiệm duy trì ổn định ở Ukraine và điều này cần phải được thực hiện bằng các bước đi cụ thể.
Cùng ngày, Ủy ban điều tra Liên bang Nga đã công bố lệnh truy nã quốc tế đối với Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraine Arsen Avakov và thống đốc tỉnh Dnepropetrovsk của Ukraine Igor Kolomoisky. Người phát ngôn ủy ban Vladimir Markin cho biết trong khuôn khổ vụ án hình sự về việc sử dụng các phương tiện bị cấm và kích động chiến tranh, giết người có tình tiết tăng nặng, cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo và bắt cóc người, các điều tra viên của ủy ban đã quyết định ra lệnh truy nã hai đối tượng trên và lệnh truy nã đã được gửi lên Cục Truy nã hình sự Bộ Nội vụ Nga, theo đó những nhân vật này bị tuyên bố truy nã trên lãnh thổ tất cả các quốc gia thành viên của Interpol. Ngoài ra, Cơ quan điều tra đang xác định tên tuổi tất cả các chỉ huy và binh sỹ quân đội Ukraine, Đội cận vệ quốc gia Ukraine và tổ chức cánh hữu có liên quan tới chiến dịch trừng phạt chống những người biểu tình đòi liên bang hóa ở Đông Nam Ukraine làm nhiều người dân thiệt mạng.
Về tình hình tại Ukraine, mặc dù lệnh ngừng bắn của Tổng thống Poroshenko được công bố, Thống đốc nhân dân tự xưng Donbass Pavel Gubarev tuyên bố binh sỹ Ukraine không tuân thủ lệnh ngừng bắn và vẫn tiếp tục nổ súng ở miền Đông. Bộ Quốc phòng Cộng hòa Lugansk tự xưng cho biết binh sỹ Ukraine đã nổ súng vào một cửa khẩu ở Lugansk và đã nã pháo về phía Liên bang Nga. Phía Nga sau đó đã đóng cửa cửa khẩu này.
Thủ tướng Cộng hòa Donesk tự xưng Alexander Borodai tuyên bố sáng 21/6 các cuộc pháo kích và không kích vẫn diễn ra tại Slavyansk. Phía Nga cho biết đã xảy ra một vụ giao tranh ở biên giới với Nga ngày 20/6 khiến bảy người bị thương, trong đó có một nhân viên hải quan Nga và năm dân quân lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga, Vladimir Putin đã ra quyết định tiến hành kiểm tra đột xuất toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân khu miền Trung trong khoảng thời gian từ 21 đến 28/6. Thông báo được Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đưa ra ngày 21/6.
Thiên tai, dịch bệnh diễn biến nguy hiểm
* Ngày 17/6, một trận lở đất xảy ra tại quận Bogor, Tây Java, Indonesia đã khiến 6 người thiệt mạng và 3 người mất tích.
* Rạng sáng 18/6, một vụ đắm tàu xảy ra vào ở khu vực Banting, cửa sông Kuala Langat, bang Selangor, miền Tây Malaysia. Trong số hành khách trên tàu, 62 người đã được cứu sống và bị tạm giữ, 9 người thiệt mạng và 26 người vẫn mất tích. Tất cả các nạn nhân này đều là người Indonesia nhập cư trái phép đang trên đường trở về nước nhân dịp tháng lễ Ramadan, không ai có giấy tờ hợp pháp. Kết quả điều tra sơ bộ cho biết chiếc tàu vừa bị đắm có thể đã chở gấp 3 lần số hành khách cho phép, dẫn tới tai nạn nghiêm trọng.
* Ngày 21/6, các nhà chức trách Bulgaria thông báo cho biết tình trạng ngập lụt nhiều ngày do mưa lớn đã khiến 12 người thiệt mạng.
* Bộ Y tế Indonesia mới đây đã xác nhận thêm một trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm H5N1; đồng thời là ca tử vong thứ hai từ đầu năm đến nay...
Theo Dangcongsan.vn