Dư luận các nước tiếp tục chỉ trích các hành vi ngang ngược của Trung Quốc
* Không khí Đối thoại Shangri-la 13, tại Singapore, đã được "hâm nóng" ngay từ những phút đầu tiên bởi chủ đề xoay quanh những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển của Việt Nam. Đại diện các nước tham gia Shangri-la 13 chỉ trích những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông:
- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên phát đi những thông điệp mạnh mẽ. Ông đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại những lời lẽ nhằm lên án mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc, đồng thời tỏ rõ sự ủng hộ đối với Việt Nam và Philippines trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
- Tiếp theo sau bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một lần nữa, lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đơn phương có những hành vi "gây bất ổn" trên Biển Đông và coi đây là hành động đe dọa phát triển của khu vực trong dài hạn; đồng thời khẳng định rằng, Washington sẽ "không làm ngơ" khi các nước khác "cố tình phớt lờ" luật pháp quốc tế.
- Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cũng chia sẻ quan điểm của người đồng cấp Mỹ và cho rằng, những hành động nhằm gia tăng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là "không hữu ích" và cần phải được kiềm chế.
- Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng bày tỏ những quan ngại sâu sắc trước diễn biến căng thẳng đang leo thang trên Biển Đông. Trong bối cảnh trên, ông Hussein nhấn mạnh tới việc "xây dựng niềm tin" giữa các nước trong khu vực, đồng thời khẳng định rằng, việc ASEAN và Trung Quốc tiến hành đối thoại để giải quyết một cách hòa bình các quan hệ tranh chấp trên Biển Đông là "một giải pháp duy nhất".
- Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng thừa nhận không khí của Đối thoại Shangri-la 13 đã "nóng bỏng hơn nhiều" so với sự kiện diễn ra hồi năm ngoái. Bên cạnh đó, ông Ng Eng Hen cho rằng, các nước cần tiếp tục thảo luận về những vấn đề thời sự trong khu vực mà cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
- Trong khi đại diện các nước đều tỏ rõ lập trường ủng hộ Việt Nam và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động "đơn phương gây bất ổn" của Trung Quốc trên Biển Đông thì đại diện Trung Quốc lại có những "ngụy biện" ngô nghê, theo lối "một mình một kiểu" tại Đối thoại Shangri-la 13, gây nhiều bất bình từ phía lãnh đạo các nước cũng như nhiều học giả quốc tế.
* Trong khuôn khổ chuyến thăm một số nước châu Á, chiều 2/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, cùng với nhiều hành động gây hấn khác của các tàu Trung Quốc đã thực sự mang tính khiêu khích, tạo ra sự căng thẳng trong khu vực. Bà mong muốn các bên sẽ giải quyết vấn đề thông qua trao đổi ngoại giao và các kênh khác có thể trên tinh thần tuân theo luật pháp quốc tế.
Ngày 4/6, tại thủ đô Manila (Philippines), bà Pritzker tiếp tục nhấn mạnh lại quan điểm trên, đồng thời cho rằng việc làm của Trung Quốc làm ảnh hưởng xấu tới các hoạt động kinh doanh trong khu vực.
* Ngày 5/6, một nhà ngoại giao Philippines cho biết: Indonesia đã đề nghị các Bộ trưởng ASEAN nhóm họp trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới để đánh giá về tình hình căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, hội nghị sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng "ASEAN đang quan ngại sâu sắc trước thái độ của Trung Quốc trên Biển Đông".
* Ngày 6/6, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan khổng lồ Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Diễn biến mới tại các điểm nóng Thái Lan và Ukraine
*Thái Lan:
- Bộ Nội vụ Thái Lan ngày 31/5 đã đề nghị các địa phương cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình chống đảo chính. Động thái này diễn ra trong bối cảnh người dân Thái Lan và cộng đồng quốc tế có nhiều phản ứng khác nhau sau thông báo của chính quyền quân sự Thái Lan về lộ trình thành lập chính phủ lâm thời và tổ chức tổng tuyển cử. Nhiều ý kiến cho rằng điều này là đúng đắn, phù hợp với tình hình của đất nước, thì nhiều người lại nói: tổ chức tổng tuyển cử trong 15 tháng tới là quá lâu.
- Ngày 1/6, những người ủng hộ Thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra đã xuống đường nhằm thể hiện sự phản đối của họ đối với chính quyền quân sự. Trong khi đó, các lực lượng an ninh đã tăng cường sự hiện diện tại thủ đô nhằm ngăn chặn sự tụ tập của người biểu tình.
- Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự Thái Lan (NCPO), ngày 3/6, đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại một số khu vực để thúc đẩy du lịch. Theo đó, các địa phương như: Pattaya, Koh Samui và Phuket sẽ không phải áp dụng những quy định ngặt nghèo về thời gian giới nghiêm nữa.
- Ngày 5/6, Phó Tổng Thư ký của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) Voravit Sukboon cho biết, cơ quan này sẽ thành lập một tiểu ban để kiểm tra tài sản và các khoản nợ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và 4 cựu bộ trưởng khác - những người có liên quan đến chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ trước đây. Dự kiến, các nguồn tài sản và khoản nợ này sẽ được công bố trước công chúng vào đầu tháng tới.
- Ngày 6/6, chính quyền quân sự Thái Lan thông báo bãi bỏ lệnh giới nghiêm tại 4 điểm du lịch nổi tiếng nữa là: Cha-am, Hua Hin, Krabi và Phang-Nga. Theo NCPO, lợi nhuận từ ngành du lịch có thể mang lại thêm 1 tỷ baht để giúp đạt được mục tiêu doanh thu ngành công nghiệp trị giá 2 nghìn tỷ baht trong năm nay và 2,2 nghìn tỷ baht trong năm tới.
*Ukraine:
-Ngày 2/6, Ủy ban bầu cử Trung ương Ukraine đã chính thức công nhận ứng cử viên Petro Poroschenko giành chiến thắng ngay trong vòng đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine diễn ra ngày 25/5 với 54,7 tỷ lệ cử tri ủng hộ. Cuộc bầu cử Tổng thống sớm tại Ukraine diễn ra chỉ 3 tháng sau khi ông Yanukovych bị lật đổ và chạy sang Nga.
- Tại cuộc họp Quốc hội ngày 3/6, Tổng thống tạm quyền Ukraine Aleksander Turchinov thông báo, lực lượng quân đội nước này đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại những người biểu tình ủng hộ liên bang hóa tại khu vực phía Bắc tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine.
- Quyền Trưởng công tố Ukraine - ông Oleh Makhnitsky, ngày 3/6 cho biết: Chiến dịch quân sự đặc biệt do chính quyền Kiev phát động nhằm chống lại người biểu tình theo chủ trương ly khai tại miền Đông - Nam Ukraine đã khiến ít nhất 181 người thiệt mạng và 293 người khác bị thương.
- Cũng trong ngày 3/6, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật mở đường cho Tổng thống mới đắc cử của Ukraine, ông Petro Poroschenko nhậm chức vào ngày 7/6 tới.
- Ngày 5/6, Cơ quan kiểm soát biên giới quốc gia Ukraine, cho biết nước này đã đóng cửa một số trạm kiểm soát qua lại ở khu vực biên giới tiếp giáp với Nga và tỉnh Luhansk thuộc miền Đông Ukraine do "tình trạng an ninh mất ổn định trong khu vực".
Một số sự kiện tiêu biểu khác
* Chủ tịch Quốc hội Syria Mohammad Lahham, ngày 4/6, ra thông báo cho biết: Ông Bashar al-Assad đã tái đắc cử Tổng thống Syria nhiệm kỳ 3 trong cuộc bầu cử diễn ra trước đó 1 ngày với tỷ lệ 88,7% số phiếu ủng hộ và bỏ xa các ứng cử viên còn lại.
*Ngày 5/6, phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin đã bày tỏ lo ngại rằng chiến dịch tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học tại Syria có nguy cơ lỡ thời hạn chót vào ngày 30/6 tới.
*Cảnh sát CHDC Congo cho biết ít nhất 6 người đã thiệt mạng khi một nhóm hơn 300 tù nhân trốn khỏi một nhà tù ở miền Đông nước này vào rạng sáng 5/6. Các tù nhân đã khống chế quản ngục, cướp vũ khí và tổ chức trốn chạy. Vụ việc đã khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có 3 cảnh sát và 3 tù nhân, trong khi 7 người bị thương. Một số lượng lớn cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai bao vây nhà tù hiện là nơi giam giữ khoảng 1.600 tù nhân.
* Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) của Hàn Quốc, ngày 5/6, công bố kết quả bầu cử địa phương lần thứ sáu ở nước này cho thấy, các đảng đối thủ đã nhận được sự ủng sự ủng hộ với tỷ lệ chênh lệch không đáng kể. Theo thông báo của NEC, đảng Saenuri cầm quyền đã giành được 8/17 vị trí tỉnh trưởng và thị trưởng tại các thành phố lớn, trong khi đó, đảng đối lập Liên minh chính trị mới vì dân chủ (NPAD) giành 9 vị trí còn lại.
* Thêm 95 quốc gia đang phát triển thông qua các chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong năm 2013. Đây được coi là một năm kỷ lục của thế giới trong nỗ lực hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng sạch với tổng cộng 144 quốc gia đã ban hành các chính sách và mục tiêu trong lĩnh vực này.
Theo Dangcongsan.vn