Các điểm nóng vẫn chưa hạ nhiệt
* Xung quanh vấn đề Nga - Ukraine: Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một loạt sắc lệnh liên quan đến Bán đảo Crimea và có hiệu lực ngay sau khi ký. Trong sắc lệnh thứ nhất, Tổng thống Nga thành lập Bộ Các vấn đề Crimea và sắc lệnh thứ hai là bổ nhiệm ông Oleg Savelyev lãnh đạo Bộ này. Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng ký sắc lệnh tăng lương tối thiểu cho các đối tượng hưởng lương ngân sách, làm việc trong các cơ quan chính quyền của Crimea và thành phố Sevastopol, cũng như sắc lệnh tăng lương hưu cho người dân Crimea.
Ngày 1/4, Quốc hội Ukraine thông qua luật cho phép nước này tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước đối tác Liên minh châu Âu (EU). Cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về bảo đảm dành cho Ukraine khoản vay lên tới 1 tỷ USD, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt chống lại các quan chức Nga liên quan tới vấn đề sáp nhập Crimea. Trong khi đó, các Ngoại trưởng NATO quyết định tạm ngừng "toàn bộ hợp tác dân sự và quân sự trên thực tế" với Nga trong thời gian 3 tháng, do việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea. Ngoài ra, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này cũng khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn để tăng cường khả năng bảo vệ và trấn an các nước Đông Âu trong bối cảnh đang diễn ra một "cuộc khủng hoảng Đông - Tây tồi tệ nhất" kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vào năm 1991.
Ngày 2/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich lên tiếng chỉ trích việc NATO quyết định ngừng hợp tác với Moscow, đồng thời xem đây là một biểu hiện khơi mào cho "Chiến tranh Lạnh". Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry để bày tỏ những quan ngại của Moscow trước những động thái mới nhất của NATO.
Ngày 3/4, Bộ Quốc phòng Nga quyết định triệu hồi Đại diện quân sự của Nga tại NATO để tham vấn xung quanh vấn đề NATO dừng hợp tác với Nga.
Ảnh do Hải quân Mỹ công bố ngày 4/4 về thiết bị Bluefin-21 được trang bị cho tàu Ocean Shield của Australia để phục vụ cho công tác tìm kiếm MH370. (Ảnh: Reuters/The Malaysian Insider) |
Tối 31/3, Bộ Giao thông Malaysia cho biết những từ cuối cùng được 1 trong hai 2 công nói ra từ buồng lái chuyến bay mất tích MH370 của hãng Hàng không Malaysia Airlines (MAS) là "Chúc ngủ ngon, Malaysia 370" - khác với những từ mà các nhà chức trách Malaysia đã tiết lộ khi bắt đầu quá trình tìm kiếm là "Được rồi, chúc ngủ ngon".
Ngày 2/3, Chánh Thanh tra Cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết đã loại trừ các yếu tố không tặc, phá hoại hay có vấn đề về tâm lý hoặc vấn đề cá nhân đối với tất cả các hành khách trên chuyến bay mất tích MH370 của Hãng Maylaysia Airlines. Cùng ngày, một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Anh, phối hợp với các máy bay và tàu của các nước khác đã tiến hành tìm kiếm và rà soát ở khu vực 237.000 km thuộc phía Nam vùng biển xa xôi Ấn Độ Dương song vẫn không tìm thấy manh mối của MH370.
Ngày 3/4, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố Malaysia sẽ không ngừng nghỉ cho tới khi nào tìm được lời giải đáp cho những bí ẩn xung quanh chuyến bay mất tích MH370, ngay cả khi các công tác tìm kiếm đang gặp phải những thách thức lớn.
Ngày 4/4, lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia và Anh đã bắt đầu sử dụng thiết bị định vị hộp đen do Mỹ cung cấp để tìm kiếm tung tích chuyến bay MH370.
* Căng thẳng trên chính trường Thái Lan: Ngày 29/3, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đổ ra các tuyến đường ở Bangkok với mục đích hồi sinh chiến dịch gây náo loạn và phong tỏa giao thông nhằm buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức. Họ tái khẳng định các yêu sách đòi chính phủ được bầu ra của bà Yingluck chuyển giao quyền lực cho một hội đồng lâm thời - cơ quan sẽ đưa ra biện pháp cải cách chống tham nhũng.
Ngày 30/3, Thái Lan tiến hành cuộc bầu cử Thượng viện. Ðây là cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng đối với Thái Lan trong bối cảnh Hạ viện nước này chưa được thành lập.
Ngày 31/3, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra có mặt tại trụ sở của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) để tự bảo vệ mình trước những cáo buộc của NACC liên quan tới chương trình trợ giá gạo của chính phủ.
Ngày 1/4, một số tay súng xả súng vào người biểu tình chống chính phủ, làm 1 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết chính phủ tạm quyền nước này có thể kiểm soát được tình hình trong thời gian 2 cuộc diễu hành quy mô lớn do những người phản đối và ủng hộ chính phủ dự kiến tổ chức vào ngày 5/4 tới.
Sáng 3/4, khoảng hơn 2.000 người biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) tập trung tại Bộ Ngoại giao để yêu cầu Bộ này không mời Tổng Thư ký Liên hợp quốc can thiệp vào công việc nội bộ của Thái Lan. Trong khi đó, một thành viên chủ chốt của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) hay còn gọi là phe áo đỏ - ông Anuwat Tinarat khẳng định rằng, có ít nhất 20.000 người sẽ tham gia trong cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ vào ngày 5/4 trên đường Aksa, ở khu vực Phuthamonthon của thủ đô Bangkok.
![]() |
Người biểu tình ủng hộ chính phủ (bên trái) và người biểu tình chống chính phủ (bên phải)đang tiếp tục các hoạt động chuẩn bị cho ngày biểu tình quy mô lớn 5/4 tại Thái Lan |
* Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Ngày 30/3, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh "sẽ không loại trừ tiến hành một vụ thử hạt nhân kiểu mới nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân". Triều Tiên sẽ thực hiện quyền phòng ngự hợp pháp và sẵn sàng đối phó với mọi hình thức trả đũa. Theo người phát ngôn này, Mỹ sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm trường hợp xảy ra một sự kiện "thảm khốc" tại bán đảo Triều Tiên.
Ngày 31/3, tờ Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển kinh tế song song với việc thiết lập sức mạnh hạt nhân; và Triều Tiên sẽ không bao giờ lùi bước trước sức ép và những lời hăm dọa từ phía Mỹ. Trong khi đó, nguồn tin quân sự Hàn Quốc ngày 31/3 cho biết Triều Tiên đã ban bố cảnh báo không đi lại (bao gồm cả trên không và trên biển) ở khu vực bờ biển phía Tây và một nguồn tin khác cho biết Triều Tiên gần đây đã điều động binh sĩ và pháo binh ở gần Bình Nhưỡng - động thái được xem là chuẩn bị cho một cuộc tập trận hỏa lực quy mô lớn.
Ngày 31/3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tuyên bố nhấn mạnh: "Vấn đề liệu Triều Tiên có tiến hành một vụ thử hạt nhân khác hay không phụ thuộc vào quyết định của lãnh đạo nước này, tuy nhiên, sự lựa chọn của họ sẽ quyết định phần lớn tương lai của Triều Tiên". Quan chức ngoại giao Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ phải trả một giá đắt nếu như tiếp tục thực hiện thêm các vụ thử hạt nhân. Qua đó, ông Yun Byung-se kêu gọi Triều Tiên cần đưa ra sự lựa chọn đúng đắn, giữa một bên là hợp tác và một bên là tiếp tục bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Ngày 1/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang "rất nghiêm trọng" trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên đang leo thang sau vụ đấu pháo ngày 31/3 và việc Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.
Ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho biết: Đặc phái viên Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ nhóm họp tại Washington vào ngày 7/4 tới để thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
* Ngày 1/4, Quốc hội Campuchia khóa V khai mạc kỳ họp thứ 2 với sự tham dự của 68 nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, trong khi 55 nghị sĩ đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập tiếp tục không có mặt sau khi đã tẩy chay kỳ họp thứ nhất ngày 23/9/2013. Trước đó, các đại diện của CNRP ngày 31/3 xác nhận đã nhận được thư mời tham gia kỳ họp Quốc hội, song tuyên bố sẽ không tham gia các hoạt động của Quốc hội cho đến khi những yêu cầu được đáp ứng. Lãnh đạo đảng CNRP Sam Rainsy tuyên bố đảng này sẽ nối lại các hoạt động biểu tình hàng loạt chống chính phủ vào ngày 2/5.
* Ngày 1/4, các nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận tiếp tục quá trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hủy chuyến thăm được lên kế hoạch tới Jerusalem và Ramallah chỉ hai giờ sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ký 15 văn kiện quốc tế mà Nhà nước Palestine chủ trương tham gia, và sau khi Israel mời thầu xây dựng 700 đơn vị nhà ở vùng lân cận Jerusalem, vượt qua Giới tuyến Xanh.
Bạo lực, tai nạn tiếp tục leo thang
* Ngày 31/3, ít nhất 6 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong 3 vụ nổ liên tiếp tại khu ngoại ô Eastleigh, thủ đô Nairobi của Kenya.
* Ngày 2/4, một kẻ đánh bom liều chết cho nổ tung thân mình tại lối vào trụ sở Bộ Nội vụ Afghanistan ở thủ đô Kabul khiến ít nhất 6 cảnh sát thiệt mạng, chỉ 3 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. Cùng ngày, cảnh sát Afghanistan cho biết một ứng cử viên Hội đồng tỉnh cùng 8 người ủng hộ đã bị giết hại đêm 1/4, sau khi bị bắt cóc tối 30/3. Lực lượng an ninh cũng thu được hơn 22 tấn thuốc nổ đủ để chế tạo hàng trăm quả bom trong một căn hầm tại tỉnh Takhar ở miền Bắc nước này.
* Ngày 2/4, một vụ nổ súng đã xảy ra tại căn cứ quân sự ở Fort Hood, bang Texas, Mỹ khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 16 người bị thương.
![]() |
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Mỹ tiến hành thảo luận (Ảnh: vov) |
Quan hệ hợp tác được tăng cường
* Ngày 31/3, nhân chuyến thăm Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc và Bỉ ký 11 thỏa thuận hợp tác song phương liên quan đến nhiều lĩnh vực từ giảng dạy tới viễn thông trong khuôn khổ "Đối tác hữu nghị toàn diện và hợp tác".
* Trong các ngày 1 - 4/4, Diễn đàn Quốc phòng giữa các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ đã diễn ra tại diễn ra tại Honolulu (Mỹ). Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel cho biết Diễn đàn Quốc phòng Mỹ - ASEAN lần đầu tiên diễn ra trên lãnh thổ nước Mỹ là cơ hội lớn để Mỹ với các quốc gia châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng xây dựng và tăng cường quan hệ đối tác nhằm đối phó hiệu quả với những thách thức mới trong thế kỷ 21. Diễn đàn cũng là một cột mốc lịch sử đánh dấu sự gắn kết và can dự ngày càng gia tăng của Mỹ với ASEAN và cũng là minh chứng cho thấy vai trò quan trọng của các nước ASEAN trong việc duy trì sự ổn định và hòa bình của khu vực.
* Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Likhachev vừa tuyên bố nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Nga và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng trở nên thiết thực hơn bao giờ hết, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moskva với các nước phương Tây xấu đi liên quan tới vấn đề Ukraine. Ông Likhachev khẳng định Nga sẽ tích cực phát triển xu hướng quan hệ tốt đẹp này.
* Ngày 2/4, tại thủ đô Brussels (Bỉ) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) với sự tham dự của 80 nguyên thủ quốc gia. Chủ đề chính của hội nghị này là ngăn chặn xung đột, chống di cư bất hợp pháp và các mối lo ngại do các phần tử của tổ chức thánh chiến Hồi giáo Jihad gây ra. Hội nghị lần này sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ giữa EU và AU, trong đó việc phát triển mối quan hệ hợp tác lên thành đối tác bình đẳng về thương mại và đầu tư sẽ là nhân tố chính trong quan hệ giữa hai bên.
Những bước tiến đầy hứa hẹn
* Ngày 31/3, Tổng thống Pháp François Hollande bổ nhiệm ông Manuel Valls (Ma-nuy-en Van) làm Thủ tướng thay ông Jean-Marc Ayrault, nhằm thổi luồng sinh khí mới vào chính phủ của đảng Xã hội, vốn lâu nay bị cho là không đủ năng lực tiến hành các cải cách nhằm đưa nền kinh tế nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng và cải thiện thị trường việc làm.
* Ngày 1/4, Hãng thông tấn SANA dẫn lời Thủ tướng Syria Wael al-Halqi nhấn mạnh Syria luôn tuân thủ các nghị quyết quốc tế nhằm tiến tới một giải pháp chính trị, chấm dứt tình hình xung đột kéo dài tại quốc gia này. Bên cạnh gói tái thiết trị giá 333 triệu USD, chính phủ Syria cũng bắt đầu phân phát 7 triệu gói thức ăn và 1,5 triệu bộ thiết bị chăm sóc y tế tới người dân sống tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
* Ngày 1/4, trong báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á 2014" công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế khu vực châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 6,2% trong năm nay và 6,4% năm 2015, tăng nhẹ so với mức 6,1% năm 2013.
* Ngày 2/4 đã có thêm 18 quốc gia nộp hồ sơ phê chuẩn Hiệp ước buôn bán vũ khí (UNATT), nâng tổng số nước phê chuẩn lên 31 trên tổng số 118 quốc gia đã ký kết. Đây được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiểm soát ngành công nghiệp trị giá tới 85 tỷ USD này.
Theo Dangcongsan.vn