|
Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN |
1. Các lãnh đạo ASEAN hôm 13-11 cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và nhất trí sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN-25 tại Myanmar, các nhà lãnh đạo khu vực bày tỏ sự quan ngại về tình hình trên Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; đồng thời tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc như được nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhất trí phấn đấu sớm đạt COC trên cơ sở đồng thuận.
Trong khi đó, tại hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ở Myanmar hôm 13-11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất một hiệp ước "hữu nghị" với các nước Đông Nam Á nhưng vẫn giữ quan điểm của nước này về tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc vẫn nêu lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như quan điểm giải quyết tranh chấp song phương hơn là đa phương hay thông qua trọng tài.
|
Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung. Ảnh: Văn Yên |
Tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 hôm 10 và 11-11 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã bàn thảo những quyết sách nhằm đối phó một cách hữu hiệu với các thách thức đang đặt ra, lấy lại động lực tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí hướng tới một khu vực thương mại tự do mới được khởi xướng mang tên Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và xây dựng một mạng lưới chống tham nhũng. Vấn đề tranh chấp biển đảo trong khu vực cũng được quan tâm tại hội nghị này.
2. Ngày 13-11, thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố lực lượng này đã mở rộng "Vương quốc Hồi giáo" của mình sang Saudi Arabia, Yemen, Ai Cập, Yemen, Libya và Algeria. Trong một đoạn băng ghi âm dài 17 phút đăng trên các trang mạng thánh chiến, al-Baghdadi cho hay: "IS chấp nhận lời thề trung thành của các lực lượng tại các quốc gia trên", đồng thời hoan nghênh về hành động của các nhóm thánh chiến Hồi giáo này.
|
Thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdad. Ảnh: mirror.co.uk |
Đoạn ghi âm dài 17 phút nói trên được công bố ít ngày sau khi Bộ Nội vụ Iraq xác nhận al-Baghdadi đã bị thương trong một cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu. Đây cũng là thông điệp đầu tiên của thủ lĩnh IS kể từ khi lực lượng này tuyên bố thành lập cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" tại Iraq và Syria hồi tháng 7 vừa qua.
3. Nga và Trung Quốc hôm 9-11 ký kết một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng tuyến đường dẫn khí đốt từ tây Siberia đến các tỉnh miền tây của Trung Quốc. Nếu đạt được thỏa thuận dự kiến kéo dài 30 năm này, Nga sẽ cung cấp 30 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc kể từ năm 2018.
Khách hàng mới này rất quan trọng với Moscow, bởi Nga đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây. Bước đi này thể hiện sự dịch chuyển trong cán cân quyền lực ở châu Á và thỏa mãn nhu cầu hai nước. Nga muốn thoát ra khỏi sự cô lập mà phương Tây tạo ra do khủng hoảng Ukraine; trong khi Trung Quốc muốn một nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy với giá cả phải chăng.
|
Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một lễ ký kết ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Một hợp đồng lớn mới với Trung Quốc sẽ bù đắp đáng kể cho sự phụ thuộc của Nga vào thị trường châu Âu, đồng thời mang đến cho Moscow một đồng minh đầy thế lực.
4. Mỹ đang cân nhắc lại chính sách đối với Syria. Chỉ tính riêng tuần qua, Nhà Trắng đã triệu tập 4 cuộc họp của đội ngũ an ninh quốc gia do đích thân Tổng thống Barack Obama chủ trì để bàn việc điều chỉnh chiến lược tại Syria cho phù hợp với chiến dịch chống IS vì lo ngại những vấn đề tại Syria kéo dài đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS và rằng sẽ không đánh bại được IS nếu không loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Yêu cầu xem xét lại chiến lược tại Syria cũng là một sự thừa nhận ngầm rằng, chiến lược ban đầu của Mỹ để đối phó với IS, đầu tiên tại Iraq và sau đó là Syria, nhưng không tính tới việc loại bỏ Tổng thống al-Assad, là một tính toán sai lầm.
|
Tướng Martin Dempsey và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trình bày trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ về cuộc chiến chống IS. Ảnh: Getty Images |
Trong một dấu hiệu phản ánh chiều hướng can thiệp ngày càng sâu của chính quyền Barack Obama vào tình hình Iraq và Syria, ngày 13-11, giới chức Lầu Năm Góc cho biết họ đang cân nhắc khả năng sử dụng bộ binh vào cuộc chiến chống IS.
5. Moscow và Kiev hôm 13-11 tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm một thỏa thuận ngừng bắn (đạt được hôm 5-9), trong khi đó phương Tây cảnh báo có thể gia tăng trừng phạt Nga đối với cái gọi là "leo thang quân sự" ở Ukraine. Ukraine cáo buộc Nga gửi binh sĩ cùng vũ khí giúp phe ly khai ở miền đông nước này mở đợt tấn công mới, tiếp tục cuộc xung đột đã làm hơn 4.000 người thiệt mạng. Moscow cảnh báo Kiev rằng bất kỳ hành động thù địch nào đối với phe ly khai sẽ là thảm họa với Ukraine.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cơ quan giám sát lệnh ngừng bắn, thông báo về những đoàn xe và binh sĩ ở Ukraine, đang di chuyển ra xa khỏi biên giới Nga. Một nhân chứng nói nhìn thấy hàng dài 50 phương tiện chở theo bệ phóng tên lửa và pháo tiến về phía Donetsk, thành trì của phe ly khai ở miền đông Ukraine vào ngày 11-11.
|
Đoàn xe và binh sĩ gần trạm kiểm tra bên ngoài một tòa nhà ở Donetsk, đông Ukraine hôm 12-11. Ảnh: Reuters. |
Còn tư lệnh cấp cao của NATO, tướng Philip Breedlove, vừa khẳng định các xe tăng, hỏa pháo, các hệ thống phòng không và binh lính chiến đấu Nga đang tiến vào Ukraina.
6. Hôm 12-11, hai chiến đấu cơ F-16 của Hà Lan khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra của NATO trên vùng trời của các nước Baltic đã chặn đầu máy bay vận tải quân sự của Nga Ilyushin khi nó bay gần không phận của Estonia và Lithuania.
"Hoạt động gia tăng của máy bay quân sự Nga ở các biên giới Baltic đang gây ra lo ngại", Bộ Quốc phòng Lithuania nói trong một email, thêm rằng việc chặn đầu là một "quy trình tiêu chuẩn". Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định chuyến bay đi theo một tuyến đường cố định ở vùng nước trung lập của biển Baltic theo các quy định quốc tế về sử dụng không phận.
Tháng trước, NATO cho hay đã tiến hành hơn 100 vụ ngăn chặn máy bay Nga kể từ đầu năm đến nay, gấp ba lần so với năm ngoái, trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Moscow về Ukraine leo thang. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng của Anh, ba nước Baltic và 4 nước Bắc Âu đã nhất trí tăng cường hợp tác về tình báo và huấn luyện không quân nhằm đối phó với hoạt động gia tăng của Nga ở Bắc Âu.
|
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: trunews.com |
7. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 14-11 cho biết ông muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và Australia để đảm bảo hòa bình trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Abe dự kiến sẽ tham gia một cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Australia Tony Abbott và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Viễn cảnh về một liên minh ba bên chặt chẽ hơn có thể gây lo ngại tại Bắc Kinh rằng Nhật Bản, Mỹ và Australia đang "vào hùa" để kìm hãm tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp chủ quyền liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.
8. Từ ngày 14 đến 22-11, không quân Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận trên không lớn mang tên "Max Thunder" (Siêu sấm sét), tại căn cứ Kunsan của Hàn Quốc.
Theo Bộ tư lệnh tác chiến không quân Hàn Quốc, cuộc tập trận là để kỷ niệm 4 năm trận pháo kích trên đảo Yeonpyeong Hàn Quốc (23-11-2010), đồng thời để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng không quân hai nước, chặn đứng mọi hành động "khiêu khích" từ phía Triều Tiên.
Từ ngày 10 đến 21-11, quân đội Hàn Quốc cũng tiến hành cuộc tập trận chung thường niên lớn nhất từ trước đến nay mang tên "Bảo vệ tổ quốc", nhằm duy trì thế trận quốc phòng cao độ trước những mối đe dọa từ Triều Tiên. Cuộc tập trận tiến hành ở mọi khu vực, bao gồm cả 155 dặm đường biên giới liên Triều. Ngay lập tức, phía Triều Tiên đã lên án mạnh mẽ cuộc diễn tập này của Hàn Quốc và cho rằng, đây chính là cuộc "diễn tập chiến tranh xâm lược Triều Tiên", là một hành động khiêu khích quân sự không thể chấp nhận.
|
Thành công trong thử nghiệm vắc-xin là tín hiệu tốt để ngăn chặn dịch bệnh Ebola (ảnh minh họa: ebolavirusoutbreak.com |
9. Hãng Dược phẩm Okairos (Italy) đã thành công bước đầu trong thử nghiệm vắc-xin chống virus Ebola. Vắc-xin này được chế từ adenovirus (virus gây bệnh khá phổ biến trên người và động vật) của khỉ, sau đó được cấy protein mang virus Ebola. Dù tính hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan nhưng loại vắc-xin mới được phát triển này nhiều khả năng sẽ có vai trò tích cực trong việc ngăn chặn dịch bệnh Ebola đang lây lan mạnh tại các nước Tây Phi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có 4.950 ca tử vong vì dịch Ebola trong tổng số 13.241 trường hợp mắc bệnh tại 3 quốc gia đứng đầu danh sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở Tây Phi.
Theo QĐND