Tổn thất chưa từng có đối với ngành hàng không * Những đau thương và mất mát từ vụ tai nạn máy bay MH17 của Malaysia chưa kịp dịu bớt, thì ngàng hàng không thế giới lại đón nhận một tin không vui từ Đài Loan (Trung Quốc) khi chiếc GE222 của hãng Trans Asia gặp nạn, làm ít nhất 48 người thiệt mạng và 10 người bị thương. Vào 19h ngày 23/7, chiếc máy bay ATR 72 thực hiện chuyến bay nội địa số hiệu GE222 từ thành phố cảng Cao Hùng ở miền Nam Đài Loan tới một hòn đảo ở Bành Hồ, đã rơi ngoài sân bay, gần làng Xixi trong khi khu vực này đang hứng chịu cơn bão Matmo. Hãng thông tấn Đài Loan (CNA) cho biết, trong số 58 người trên chiếc máy bay gặp nạn có 2 hành khách mang quốc tịch Pháp, 52 hành khách còn lại và 4 thành viên tổ bay đều là người Đài Loan.
* Ngày 24/7, một quan chức hàng không Algeria cho biết máy bay mang số hiệu AH5017 của hãng hàng không Algeria (Air Algerie) đã bị rơi ở Mali, làm 118 người thiệt mạng. Trong số đó, có tới 54 nạn nhân là công dân Pháp. Xác chiếc máy đã được lực lượng tìm kiếm của Pháp tìm thấy ngay trong đêm tại Gossi (Bắc Mali), gần biên giới Burkina Faso, trong tình trạng cháy rụi và mảnh vỡ lẫn với xác nạn nhân. Hai chiếc hộp đen của chiếc máy bay xấu số này đã được tìm thấy để phục vụ công tác điều tra. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn có thể là do thời tiết xấu.
* Chiều 25/7, một chiếc trực thăng hạng nhẹ DHRUV thuộc Lực lượng Không quân Ấn Độ đã bị rơi tại bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, khiến toàn bộ 7 người trên máy bay (trong đó có hai phi công) thiệt mạng. Vụ tai nạn xảy ra khi chiếc máy bay đang trên lộ trình từ Bareilly tới Allahabad. Theo giới chức Ấn Độ, máy bay đã bốc cháy khi đâm xuống Manipurwa thuộc khu vực Ataria.
* Ngày 26/7, truyền thông Hy Lạp cho biết, một vụ tai nạn đã xảy ra cách đường băng sân bay Sparta của nước này khoảng vài mét. Cả hai người trên máy bay mang số hiệu I-A651 đều thiệt mạng ngay tại chỗ.
* Cho đến ngày 26/7, hai chiếc máy bay cuối cùng chở thi thể các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay MH17 (hôm 17/7) đã đến sân bay quân sự Eindhoven ở Hà Lan, hoàn tất quá trình vận chuyển các thi thể để phục vụ công tác nhận dạng và điều tra. Như vậy là 282 thi thể của vụ tai nạn máy bay của hãng Hàng không Malaysia đã được chuyển đến Hà Lan - nơi có số công dân thiệt mạng lớn nhất lên tới 193 người. Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans hôm 25/7 khẳng định quyết tâm của nước này nhằm tìm ra thủ phạm vụ rơi máy bay MH17. Trước đó, ngày 24/7, nhóm chuyên gia quốc tế đã hoàn tất việc thu nhận thông tin từ các hộp đen của máy bay Boeing 777. Các chuyên gia pháp y phân tích cho biết, cho đến nay họ mới chỉ xác định được thi thể của 200 người. Trong đó, nhiều thi thể đã bị hư hỏng nặng, do vậy việc khám nghiệm tử thi cẩn thận sẽ mất nhiều thời gian. Theo các chuyên gia, có thể sẽ mất vài tháng trước khi giới chức có thể đưa phần thi thể còn lại của các nạn nhân tới gia đình của họ.
Xung đột đẫm máu tại Dải Gaza
Trong vòng 20 ngày qua, các cuộc giao tranh tại Dải Gaza đã khiến đã khiến gần 1.000 người Palestine thiệt mạng, hầu hết trong số này là dân thường, trong khi bên phía Israel cũng có 37 binh sĩ bị thương.
Ngày 25/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo trong vòng 7 ngày, trong bối cảnh Liên hợp quốc và các bên đối tác tiếp tục nỗ lực để chấm dứt bạo lực và sự tàn phá đang ảnh hưởng đến dân thường ở dải Gaza. Ông cho rằng, các cuộc giao tranh hiện nay là một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải chấm dứt việc phong tỏa và chiếm đóng kéo dài suốt 47 năm qua ở Gaza, bảo đảm an ninh dựa trên sự công nhận lẫn nhau và đạt được một giải pháp hai nhà nước khả thi để Israel và Palestine có thể sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh.
Trong khi đó, ngày 26/7, Ngoại trưởng từ 7 nước gồm Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar - cùng đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành một cuộc thảo luận nhằm thúc đẩy các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza.
Các nước này đã kêu gọi tất cả các bên liên quan kéo dài lệnh ngừng bắn nhân đạo đang thực thi hiện nay thành 24 giờ và có thể tiếp tục gia hạn sau đó; đồng thời bày tỏ mong muốn về một lệnh ngừng bắn lâu dài sớm nhất có thể, trong đó có thể giải quyết thấu đáo cả yêu cầu về vấn đề an ninh của Israel cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Palestine.
Thêm một số diễn biến mới tại điểm nóng Ukraine
Ngày 24/7, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã tuyên tố từ chức, không lâu sau khi liên minh cầm quyền đa số tại Quốc hội giải tán. Trước đó, một số đảng quyết định rút khỏi liên minh. Sự sụp đổ của liên minh sẽ mở đường cho các cuộc bầu cử do Tổng thống Petro Poroshenko kêu gọi, dự kiến được tổ chức vào tháng tới.
Ngày 25/7, Quốc hội Ukraine đã chỉ định Phó Thủ tướng tạm quyền Vladimir Groysman giữ chức quyền Thủ tướng thay ông Arseny Yatsenyuk, người đã tuyên bố từ chức một ngày trước đó. Theo đó, ông Groysman sẽ lãnh đạo Chính phủ cho đến khi Quốc hội nước này bầu được Thủ tướng tạm quyền mới. Hiến pháp Ukraine quy định chỉ có Quốc hội mới có quyền bãi nhiệm thủ tướng bằng cách bỏ phiếu trong vòng 10 ngày sau khi nhận được đơn xin từ chức.
Trong vòng một tháng tới, nếu không thành lập được một liên minh đa số mới, Tổng thống Petr Poroshenko có quyền giải tán Quốc hội và ấn định cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, dự kiến vào ngày 26/10 tới.
Trong khi đó, tình hình an ninh ở các khu vực miền Tây và miền Trung Ukraine đang làm dấy lên những quan ngại khi trong cùng một ngày có tới hai quan chức chính quyền bị tấn công.
Ngày 26//7, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết thị trưởng thành phố Kremenchuk ở miền Trung, ông Oleh Babayev đã thiệt mạng sau khi bị một đối tượng lạ mặt nã đạn liên tiếp bằng súng giảm thanh.
Cùng ngày cũng đã xảy ra một vụ tấn công bằng súng phóng lựu nhằm vào nhà riêng của thị trưởng thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine, ông Andriy Sadoviy. Rất may ông Sadoviy không có ở nhà vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Một số tin tức đáng chú ý khác
* Chính quyền quân sự Thái Lan ngày 23/7 đã công bố chi tiết bản Hiến pháp tạm thời, theo đó cho phép Tướng Prayuth Chan O-cha trở thành Thủ tướng lâm thời của nước này. Điều này có nghĩa, chính quyền quân sự Thái Lan khẳng định sẽ vẫn nắm giữ quyền kiểm soát đất nước cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức vào năm tới theo Hiến pháp mới.
Trong một động thái tiếp theo hướng tới cuộc bầu cử sau đảo chính, chính quyền quân sự Thái Lan cho biết sẽ thiết lập các đơn vị quân sự tại 77 tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, quân đội đã có 51 đơn vị quân sự, mỗi đơn vị ứng với một tỉnh, thành. Theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng ngày 24/7, các đơn vị quân sự sẽ được thiết lập tại 26 tỉnh, thành còn lại.
Trong một diễn biến khác, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang có chuyến du lịch châu Âu cùng con trai. Bà đã gặp anh trai bà là cựu Thủ tướng Thaksin tại Paris (Pháp) vào ngày 26/7. Người ta đặt ra hai khả năng, bà Yingluck có thể trở về Thái Lan sau khi chuyến du lịch kết thúc hoặc cũng có thể sống lưu vong ở nước ngoài giống như ông Thaksin.
*Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi thông điệp chúc mừng ông Joko Widodo sau khi Ủy ban bầu cử Indonesia (KPU) công bố kết quả xác nhận, Thống đốc Jakarta đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia với tỷ lệ 53,15% số phiếu ủng hộ. Theo lịch trình, nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm của tân Tổng thống Indonesia sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 20/10 tới. Chiến thắng của ông Joko được kỳ vọng sẽ mở đường cho một phong cách lãnh đạo mới và củng cố nền dân chủ tại Indonesia.
* Ngày 22/7, Chính phủ Bulgaria do ông Plamen Oresharski làm Thủ tướng đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội Bulgaria sau hơn một năm cầm quyền. Đơn từ chức được Quốc hội chuẩn y vào hai ngày sau đó. Tổng thống Bulgaria thông báo, ông đã sẵn sàng thành lập một Chính phủ tạm quyền. Hiến pháp Bulgaria quy định, Chính phủ tạm quyền có trách nhiệm tổ chức và tiến hành bầu cử chậm nhất trong vòng 60 ngày kể từ khi Quốc hội giải tán.
* Ngày 25/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên đường thực hiện chuyến công du kéo dài 11 ngày (từ 25/7- 4/8) tới 5 nước Mỹ Latinh bao gồm: Mexico, Trinidad and Tobago, Colombia, Chile và Brazil. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Nhật Bản tới Mỹ Latinh trong 10 năm qua. Ông Abe tin tưởng, chuyến đi này của ông sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực.
* Trong một tuyên bố ngày 25/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nêu rõ tình hình an ninh lương thực tại Nam Sudan hiện đang ở mức "nguy hiểm nhất trên thế giới" và quốc gia châu Phi này đang đứng trước ngưỡng cửa của một nạn đói trên diện rộng nếu tình hình xung đột không sớm chấm dứt.Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi các quốc gia thành viên đã cam kết hỗ trợ 618 triệu USD cho Sudan tại một hội nghị ở Oslo (Na Uy) hồi tháng 5 vừa qua làm đúng cam kết và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nguồn kinh phí trên sẽ cung cấp sự hỗ trợ mang tính sống còn nhằm cải thiện tình hình đói kém nguy hiểm tại Nam Sudan.
Theo Dangcongsan.vn